Kéo dài đến ngày 10-1, sự kiện có nhiều hoạt động như: Hội chợ triển lãm hội nông dân, doanh nghiệp, xúc tiến thương mại các tỉnh; Hội thảo "Sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới"; Hội thi "Gạo ngon thương hiệu Việt", "Món ngon chế biến từ gạo - nếp Việt Nam". Có 390 gian hàng tham gia triển lãm các sản phẩm máy móc, vật tư nông nghiệp và xúc tiến thương mại.
Người dân mua gạo của một đơn vị trưng bày sản phẩm tại Festival Lúa gạo
Theo Ban Tổ chức, đây là dịp để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến ở địa phương và khu vực ĐBSCL. Sự kiện góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao; nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo; từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng; bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL. Đây cũng là dịp tôn vinh, khẳng định thành quả lao động không mệt mỏi của nông dân, trí thức, doanh nhân kinh doanh lúa gạo, từ đó, tạo niềm tin để xây dựng thành công hơn nữa thương hiệu gạo Việt nói chung và gạo Vĩnh Long nói riêng.
Ngoài lúa gạo, nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương cũng được trưng bày tại khu triển lãm.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng lưu ý giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Các thành viên tham dự phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian diễn ra sự kiện; đã tiêm 2 mũi vắc-xin đủ 14 ngày hoặc F0 đã khỏi bệnh phải có giấy xác nhận của bệnh viện; khử khuẩn ở các cửa ra vào khu vực diễn ra sự kiện.
Bình luận (0)