Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết năm 2021 dù kinh tế Việt Nam gặp nhiều tổn thất do dịch Covid-19 nhưng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn tăng trưởng ấn tượng với 142 dự án thu hút được tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2020. "Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, 200 tổ chức đầu tư đang hoạt động nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án gọi vốn thành công.
Với 200 quỹ đầu tư thì mỗi năm cần có 10.000 dự án. Câu chuyện là toàn bộ hệ thống vườn ươm và mô hình tăng tốc của Việt Nam hiện nay có đáp ứng được thị trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không? Các nhà đầu tư đang cần gì, chúng ta có đủ sản phẩm chưa? Các DN tiềm năng có phải đang gặp điểm nghẽn thị trường hay không?" - ông Tước nêu vấn đề.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, ngày càng có nhiều dự án có thể gọi vốn trên 100 triệu USD; vốn đổ vào lĩnh vực này tăng vọt trong năm 2020 cho thấy sự chuẩn bị của cộng đồng khởi nghiệp có dấu hiệu tốt. Các dự án gọi vốn lớn trong thời gian gần đây xuất hiện những gương mặt rất trẻ; lĩnh vực thanh toán, fintech, bán lẻ đang hút vốn đầu tư mạnh. Một tín hiệu tích cực nữa là xu hướng nhà đầu tư rót vốn vào các giai đoạn B, C, D ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tư mạo hiểm còn chiếm cấu trúc lớn.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Viet Lotus, cho rằng lâu nay một số bộ phận tự hào vì trong năm 2021 Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 3 trong khối ASEAN, đứng đầu trong các nước có cùng mức thu nhập trung bình thấp trong bảng xếp hạng theo chỉ số đổi mới, sáng tạo nhưng bản thân ông chỉ vui một nửa vì chúng ta vẫn xếp sau Singapore, Indonesia một khoảng rất xa.
"Các nhóm chỉ số đổi mới sáng tạo chủ yếu là chỉ số đầu ra liên quan đến quy mô thị trường, GDP; nhóm chỉ số đầu vào mới là yếu tố quyết định bản chất của đổi mới sáng tạo thì chúng ta còn thấp. Chúng ta cần có sự thay đổi mạnh về cơ chế, chính sách, thể chế để tạo động lực cho đổi mới sáng tạo bùng nổ. Cùng với đó, thị trường, các cơ sở, vườn ươm ta cũng phải thay đổi" - ông Ngoạn nêu ý kiến.
Chia sẻ câu chuyện chi hơn 1.000 tỉ đồng cho đổi mới sáng tạo trong vòng 3 năm qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Yeah1, nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, không có lựa chọn nào khác mà phải bằng sự đổi mới sáng tạo để vươn ra toàn cầu. DN phải chớp cơ hội để bùng nổ, nếu không sẽ bị chậm chân và khó đạt khát vọng sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng cần phải khai thông nguồn lực trong nước để thúc đẩy lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Chúng ta vẫn đang dựa vào sự sáng tạo tự thân của các bạn trẻ và trông đợi vào nguồn lực ngoại sinh từ đầu tư mạo hiểm bên ngoài, tôi rất mong các DN lớn tại Việt Nam sẽ trở thành những người đặt hàng và là người sử dụng đầu tiên sản phẩm của các bạn trẻ. Làm sao hình thành những nhà đầu tư nội địa. Các viện, trường có nhiều tiến sĩ giỏi nhưng vẫn đứng bên ngoài luồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; những nhà đầu tư dành cho bất động sản nhiều nguồn lực nhưng dành ít nguồn lực cho đầu tư đổi mới sáng tạo" - ông Quất phân tích.
Bình luận (0)