Nỗ lực gần đây của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn việc mua bán USD chợ đen đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tình trạng mua bán USD tràn lan trên thị trường chợ đen tại Hà Nội và TPHCM giảm hẳn; lượng USD chảy vào các ngân hàng (NH) thương mại cũng đang tăng… Đây là thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đã bắt đầu phát sinh những khó khăn cho người có nhu cầu chính đáng cần mua USD.
USD đã vào ngân hàng nhiều hơn nhưng nhiều người cần mua USD phục vụ nhu cầu chính đáng vẫn gặp khó. Ảnh: HỒNG THÚY
Vất vả tìm mua
Chị T., một nhân viên làm việc tại Hà Nội, cho biết tuần sau chị có chuyến đi Singapore nhưng không biết đổi ngoại tệ ở đâu. Chi tiêu cho chuyến công tác nước ngoài sử dụng thẻ là chính nhưng vẫn phải có tiền mặt để trả chi phí đi lại, vận chuyển. Là người quen đi nước ngoài nhưng nghĩ đến việc phải qua NH mua ngoại tệ, chị T. đã thấy bất tiện vì không biết NH nào bán, NH nào không và hạn mức được mua là bao nhiêu, cần đưa ra những giấy tờ gì. Hơn nữa, đối với những ngoại tệ mạnh như USD, euro, yen đã khó, người dân đi Thái Lan, Lào, Malaysia sẽ càng khó mua được đồng baht, kip hay ringgit trong NH nên thường phải mua USD và sang nước sở tại đổi lại ở quầy giao dịch hoặc khách sạn.
Còn vài ngày nữa phải đi nước ngoài, vé máy bay, khách sạn đã đặt sẵn, vậy mà cả ngày hôm qua (11-3), chị G.K.T, nhà ở quận 7 - TPHCM, đã phải chạy đôn chạy đáo để mua 2.000 - 3.000 USD. Đến Chi nhánh Sài Gòn của NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chị T. được nhân viên phòng kinh doanh ngoại tệ cho biết hiện đang thiếu USD để bán cho cá nhân đi du lịch. Chạy đến Chi nhánh NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, chị được nhân viên cho hay BIDV chỉ bán cho khách hàng thường xuyên có giao dịch với BIDV nhưng số lượng chỉ 500 USD/người…
Chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo một số NH thương mại tại TPHCM để hỏi về tình trạng cung ứng USD cho các nhu cầu cá nhân chính đáng, hầu hết đều bị từ chối, né tránh. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết trong những ngày qua, giao dịch ngoại tệ tại các NH trên địa bàn đã tăng lên khá so với vài ngày trước. Người dân đã đem USD đến NH bán nhiều hơn. Đó là yếu tố tích cực, góp phần làm cho tỉ giá trở về đúng quy luật cung - cầu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận việc quyết liệt xử lý các địa điểm kinh doanh ngoại tệ chui bên ngoài khiến nhu cầu mua USD của người dân tăng, các NH không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Chính vì vậy, các NH chỉ ưu tiên giải quyết cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, với cá nhân thì ưu tiên trước hết là du học và đi chữa bệnh, còn đối với cá nhân du lịch thì bị hạn chế.
Giải quyết sớm nhu cầu của người dân
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NH Nhà nước, năm 2006, Chính phủ đã có Pháp lệnh Ngoại hối quy định người dân có 4 quyền liên quan đến sử dụng và sở hữu ngoại tệ là cất giữ ở nhà, vận chuyển trên đường, gửi tiết kiệm, bán cho NH. Đến năm 2007, Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số 98/CP về việc nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hóa.
Theo quy định, người dân chỉ được bán ngoại tệ cho NH hoặc đại lý thu đổi có giấy phép và chỉ được mua ngoại tệ tại NH trong các trường hợp như khám chữa bệnh, du lịch, du học, thừa kế… NH Nhà nước không ràng buộc các NH thương mại phải đáp ứng tất cả nhu cầu ngoại tệ của người dân cũng như không khống chế số lượng ngoại tệ tối đa NH thương mại được bán. Tuy nhiên, do chênh lệch tỉ giá trong – ngoài và do nguồn cung nhiều khi hạn chế, đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp có thời điểm còn chưa đủ nên việc người dân mua ngoại tệ tại các NH còn rất khó khăn. Vì vậy, thị trường chợ đen, xét về mặt cung - cầu, đã có khi trở thành cánh tay nối dài của các NH thương mại trên thị trường ngoại hối.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, trong tình hình hiện nay, việc kiểm soát, xóa bỏ mua bán ngoại tệ chợ đen là rất cần thiết song các NH thương mại cần có nguồn ngoại tệ đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, không để xảy ra tình trạng “nghẽn” lại, ảnh hưởng đến kế hoạch của dân.
Vẫn còn lén lút bán USD
Tại phố ngoại tệ Hà Trung (Hà Nội), dù vẫn có khách ghé qua hỏi mua bán USD nhưng không chủ tiệm nào dám giao dịch công khai. Các đại lý thu đổi, tiệm vàng cũng nhìn động thái của các “đại gia” ở Hà Trung để hoạt động. Một chủ tiệm vàng cho biết liên tục phải gọi về dặn người nhà không được bán ngoại tệ cho khách lạ, không được bán công khai ngoài quầy, không được giao dịch qua điện thoại...
Tại TPHCM, các điểm mua bán ngoại tệ chợ đen cũng đã ngừng giao dịch hoặc chỉ lén lút bán nhỏ giọt cho khách quen. Sáng 11-3, tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên đường An Dương Vương, quận 5, khi chúng tôi thử hỏi mua 2.000 USD, nhân viên tại đây cho biết sẽ bán với giá 21.620 đồng/USD. Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi có vẻ không dứt khoát mua, người này lập tức nói: “Cửa hàng cũng chưa có để bán”. Đầu giờ chiều, chúng tôi liên hệ với một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên đường Lê Lợi, Q.1, nhân viên ở đây cho biết họ đã không giao dịch USD từ hai ngày qua. Tuy nhiên, nhân viên này tiết lộ có biết một số cửa hàng có giao dịch nhưng chỉ mua bán với người quen. |
Bình luận (0)