Dự thảo lần 2 Nghị định về kinh doanh khí (thay thế Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng) đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến có nhiều điều khoản khiến giới kinh doanh gas tại TP HCM rối bời do đi ngược với hướng dẫn hiện hành của Sở Công Thương TP.
Hạ chuẩn
Dự thảo lần này không chỉ bó hẹp ở khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG - thường gọi là gas) mà có thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) nhưng những điều khoản liên quan đến LPG được các doanh nghiệp (DN) quan tâm nhiều nhất.
Theo dự thảo, điều kiện nặng chi phí nhất với thương nhân đầu mối là số vỏ bình gas sở hữu đã được hạ chuẩn từ 300.000 vỏ chai xuống 150.000 vỏ đối với DN xuất nhập khẩu LPG và từ 300.000 vỏ chai xuống 100.000 vỏ chai đối với DN phân phối (Nghị định 107 gọi là thương nhân phân phối LPG cấp 1).
Một điểm lưu ý nữa là dự thảo nói rõ hình thức hộ kinh doanh cá thể cũng được phép kinh doanh đại lý gas trong khi Nghị định 107 còn bỏ ngỏ. Do vậy, đầu năm 2014, Sở Công Thương TP HCM đã có Công văn 290 chấn chỉnh hoạt động kinh doanh LPG trên địa bàn cũng căn cứ vào Nghị định 107 và Thông tư 11/2010 của Bộ Công Thương xếp cửa hàng bán lẻ gas đăng ký với hình thức hộ cá thể vào diện chưa đủ điều kiện là đại lý kinh doanh LPG nên phải bị hạn chế quyền, chỉ được phép ký hợp đồng với một tổng đại lý LPG thay vì được ký với 3 nơi (có thể là tổng đại lý hay thương nhân đầu mối).
Đại diện Sở Công Thương TP HCM khi ấy giải thích rằng hộ kinh doanh là đơn vị bán lẻ không thể đăng ký dưới hình thức “đại lý”, còn đăng ký kinh doanh dưới hình thức đại lý là đăng ký bán buôn có các cửa hàng bán lẻ trực tiếp cho khách hàng tiêu thụ nên chỉ có thể là DN.
Trong khi đó, thực trạng của TP HCM là hầu hết các cửa hàng gas (khoảng 1.000 trong tổng số hơn 1.200 cửa hàng) đang đăng ký dưới hình thức hộ cá thể. Vì thế, suốt năm 2014, cả chuỗi cung ứng gas tại TP HCM phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để chạy đua lo từ thủ tục đến cơ sở vật chất để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh.
DN đầu mối thì lo đủ 300.000 vỏ bình, bồn chứa, cửa hàng trực thuộc, thậm chí phải lập tổng đại lý để bán hàng. Vì thế, số lượng tổng đại lý đăng ký phân phối tại TP HCM tăng lên hơn 40%, còn cửa hàng thì lo “lên đời” DN.
Doanh nghiệp rối bời
Từ chỗ tưởng được “lên hương” theo Công văn 290 thì dự thảo nghị định lần này không hề nhắc đến “tổng đại lý” như một hình thức kinh doanh gas chính thức mà chỉ có hình thức đại lý.
Theo thống kê sơ bộ, hiện TP HCM có 45 DN đăng ký phân phối gas với hình thức tổng đại lý (25 DN đã được công nhận đủ điều kiện hoạt động).
Theo tính toán của những người làm lâu năm trong ngành gas, muốn kinh doanh ở khâu này, phải đầu tư ít nhất 5 tỉ đồng để đáp ứng điều kiện tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107 (kho chứa 24 tấn gas, tiền cọc 2.000 vỏ bình, đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy…).
Đại diện một DN gas lớn tại TP HCM cho biết nếu bỏ tổng đại lý thì DN cũng gặp khó do việc tự tổ chức hệ thống phân phối đến tận cửa hàng chưa chắc hiệu quả bằng việc giao cho tổng đại lý.
“Thực tế hiện nay, nhiều DN bán hàng qua tổng đại lý có giá bán lẻ gas đến người tiêu dùng thấp hơn các DN bán hàng trực tiếp nên không thể nói có thêm khâu trung gian làm tăng chi phí và việc tổ chức quản lý thế nào cho có hiệu quả” - vị này nói.
Ông Trần Văn Nghị - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam - cho biết chi hội đã tổ chức cuộc họp và thống nhất các ý kiến góp ý gửi về ban soạn thảo.
Theo đó, Chi hội Gas miền Nam đề nghị không nên hạ chuẩn đối với thương nhân đầu mối vì sẽ khiến thị trường thêm loạn bởi hiện nay đang dư vỏ bình, dư trạm chiết. Về tổng đại lý, các DN đề xuất chỉ nên đổi sang thuật ngữ “thương nhân phân phối LPG chai” với điều kiện tương đương Nghị định 107 để tránh gây xáo trộn thị trường. Riêng cửa hàng bán lẻ gas nên quy định chỉ bán tối đa 3 mặt hàng để dễ quản lý.
Cần Sở Công Thương lên tiếng
Những thay đổi trong quản lý ngành gas của dự thảo nghị định khiến giới kinh doanh gas hoang mang nhưng đến nay, Sở Công Thương TP HCM vẫn chưa lên tiếng. Ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hồng Mộc, cho rằng Sở Công Thương nên công bố chính thức Công văn 290 còn hiệu lực hay không để DN yên tâm làm ăn vì việc triển khai công văn này không đạt được hiệu quả quản lý như mong muốn mà lại gây khó cho DN. “Tôi phải về Tiền Giang mở tổng đại lý (vì TP HCM không cấp phép mới ngành gas), hóa đơn ghi ông Thân Văn Do bán cho ông Thân Văn Do một cách hết sức vô lý chỉ để bán hàng cho cửa hàng như trước giờ làm đội chi phí mà thuế lại phải chia sẻ về tỉnh” - ông Do bức xúc.
Bình luận (0)