Trước thông tin một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác "Khaisilk - Made in Vietnam" vừa có mác "Made in China", Bộ Công Thương trưa 26-10 đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của tập đoàn này.
Có dấu hiệu gian lận thương mại
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục QLTT phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý. "Đề nghị cục khẩn trương báo cáo bộ trưởng trước ngày 28-10" - bộ trưởng yêu cầu.
Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đóng cửa sau vụ bán hàng Made in China bị vỡ lở Ảnh: HUY THANH
Đầu giờ chiều cùng ngày, lực lượng liên ngành gồm Đội QLTT số 14, Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) đã kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Khaisilk đang đóng cửa, không giao dịch. Lực lượng liên ngành đã thu giữ 52 mẫu sản phẩm gồm: quần áo, khăn, caravat... với trị giá hơn 30 triệu đồng để mở rộng điều tra.
Ông Trần Hùng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389, thành viên đoàn kiểm tra, cho biết ghi nhận sơ bộ cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, giả nguồn gốc xuất xứ. "Đây là một hiện tượng rúng động bởi Khaisilk là một thương hiệu rất uy tín, nổi tiếng từ nhiều năm nay, có thể coi là một thương hiệu lớn của quốc gia. Dựa trên kết quả vi phạm nếu nặng có thể truy tố hình sự, nhẹ thì phạt hành chính" - ông Hùng cho hay.
Ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cho hay với hành vi nhập lụa sản xuất tại Trung Quốc, cắt mác "Made in China", gắn mác "Made in Vietnam" để bán cho khách, theo luật thì sẽ xử lý hành chính. Tuy nhiên, hiện nay chi cục đang làm rõ các vấn đề liên quan mà báo chí, truyền thông đã đăng tải. Sau khi có kết luận vi phạm sẽ trả lời cụ thể.
Tại TP HCM chiều 26-10, phóng viên ghi nhận cửa hàng Khaisilk trên đường Đồng Khởi (quận 1), con đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn với hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ, đóng cửa, ngưng hoạt động. Một bảng thông báo nhỏ in trên giấy A4 với nội dung "Chúng tôi xin đóng cửa để kiểm tra và điều chỉnh hàng hóa". Một bảo vệ làm việc gần đó cho biết cửa hàng vẫn hoạt động vào buổi sáng, mới đóng cửa vào đầu giờ chiều.
Người tiêu dùng có thể kiện
Nêu quan điểm cá nhân, ông Trần Hùng cho rằng doanh nghiệp nhập hàng giả về bán gây mất niềm tin của người tiêu dùng, mất hình ảnh đẹp của thương hiệu. "Bao năm ông Khải đã xây dựng hình ảnh Khaisilk như một biểu tượng thương hiệu quốc gia, nói đến tơ tằm là nói đến Khaisilk. Quà tặng bày trong các khách sạn 5 sao, quà tặng các nguyên thủ, lãnh đạo… cũng hầu như dùng đồ của Khaisilk? Như thế này thì người tiêu dùng biết tin vào những thương hiệu nào bây giờ? Tôi rất buồn khi thương hiệu Khaisilk đã tự tay mình xóa bỏ sau bao năm gầy dựng" - ông Hùng bày tỏ.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng vụ việc có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. "Khi doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu bảo vệ cho sản phẩm nào đó, phải nói rõ nguồn gốc xuất xứ những sản phẩm đó. Nếu không thì là lừa dối, vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng" - luật sư Truyền chỉ rõ.
Theo ông Truyền, ngoài người tiêu dùng bị xâm hại có quyền khởi kiện Khaisilk thì chính bản thân những nhà cung cấp nguồn hàng cho Khaisilk, các làng lụa truyền thống cũng có quyền khởi kiện việc ông Khải trộn hàng nơi khác vào và dán dưới nhãn mác, lấy danh tiếng làng nghề của họ để kinh doanh. "Giá trị đơn hàng có dấu hiệu giả nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác trên 30 triệu đồng là có thể khởi tố hình sự. Chưa kể đến, trong thời gian dài, số lượng lớn như thế thì cần làm rõ, nhất là vấn đề bồi thường thiệt hại" - luật sư Truyền cho hay.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho biết người tiêu dùng đang "nổi giận" trước hành vi lừa dối người tiêu dùng của thương hiệu Khaisilk. "Như ông Hoàng Khải (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khaisilk) trả lời trên báo thì việc bán khăn Trung Quốc đã diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước chứ không phải mới. Đáng lý ra, những hành vi này phải được phát hiện và ngăn chặn sớm. Người tiêu dùng chuộng sản phẩm này vì tin tưởng đây là tơ lụa Việt Nam. Nếu biết là hàng Trung Quốc, họ đã cân nhắc và có thể không mua với giá cao như thế" - bà Thu đặt vấn đề.
Bà Thu đánh giá đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà cả hình ảnh quốc gia Việt Nam. Vì rất nhiều khách du lịch quốc tế đã mua lụa Khaisilk để làm quà tặng hay kỷ niệm thuần Việt Nam nay biết là hàng Trung Quốc họ sẽ rất sốc. Họ không chỉ tẩy chay sản phẩm của Khaisilk mà còn ngờ vực nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản "Made in Vietnam" khác.
Nhân viên nhầm lẫn?
Trước đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.
Sau khi nhận hàng, khách phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung "Khaisilk Made in Vietnam" còn một nhãn nữa với nội dung "Made in China".
Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ "Made in China".
Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Về việc có gắn mác với nội dung "Made in China", vị này cho biết nhân viên kho đã nhầm lẫn khi soạn lô khăn tay thuộc mẫu 55 x 55 cm. Theo đó, nhân viên bộ phận kho khi soạn lô 60 khăn cho đơn hàng, do bị thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
Bình luận (0)