xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khẩn cấp tìm đầu ra cho nông sản

DUY NHÂN - CA LINH - THỐT NỐT

Nhiều địa phương ở các tỉnh ĐBSCL đã thành lập điểm tập kết, tổ sản xuất kết nối, cung ứng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Cả tháng nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản, thủy sản tại ĐBSCL gặp khó khăn khiến không ít hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, không còn chi phí để tái sản xuất. Trước tình trạng này, ngành chức năng đang dốc sức tìm các giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu ra nông sản cho nông dân.

Nông sản rớt giá, thương lái dè dặt

Thời gian gần đây, giá nhiều mặt hàng đặc sản của tỉnh Cà Mau như tôm, cua, sò huyết, bồn bồn… liên tục giảm sâu khiến nông dân rất lo lắng.

Khẩn cấp tìm đầu ra cho nông sản - Ảnh 1.

Tỉnh An Giang đang cần tiêu thụ khoảng 6.500 tấn thủy sản .Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng Tổ hợp tác 2-9 (ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết: "Giá sò chỉ 80.000 đồng/kg so với 120.000 đồng/kg trước đây nhưng có ngày vựa không thu mua. Tháng 9 tới là thời điểm thu hoạch, nếu giá cả thế này thì rất nhiều người khốn đốn vì thua lỗ". Theo ghi nhận, giá cua tại Cà Mau sụt giảm đến 40% so với lúc bình thường nhưng đầu ra rất bấp bênh. Hiện giá cua thịt dao động 100.000 - 120.000 đồng/kg, cua gạch chỉ còn khoảng 250.000 đồng/kg. "Giá cua giờ thấp chưa từng có mà thương lái ít đi mua, mua thì cũng rất dè dặt vì sợ không bán được. Cứ đà này thì chúng tôi không thể đầu tư vụ mới" - ông Trần Văn Hiền, người nuôi cua ở huyện Năm Căn, nói.

Ông Ngô Minh Nguyên - người nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - cho biết hiện giá thức ăn, thuốc thủy sản tăng chóng mặt khiến chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá giảm sâu khiến người nuôi tôm đứng ngồi không yên. "Mặc dù muôn vàn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất với hy vọng giá cả sớm tăng trở lại. Hơn nữa, thiết bị đã đầu tư phải vận hành vì không sử dụng sẽ hư hỏng" - ông Nguyên cho biết.

Liên kết các tỉnh Nam sông Hậu

Nhằm khẩn trương tìm đầu ra cho nông sản, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau - cho biết tỉnh tổ chức kết nối nguồn cung và cầu theo thị trường để không gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các vùng sản xuất nguyên liệu, kịp thời nắm bắt các điểm nghẽn trong lưu thông, tiêu thụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng vừa ký công văn gửi UBND TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang để kêu gọi liên kết, phối hợp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Theo đó, trước mắt, các địa phương sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa và một số lĩnh vực cần thiết khác. UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến để các địa phương trao đổi phương thức thực hiện liên kết. "Các tỉnh, thành Nam sông Hậu có nhiều điểm tương đồng. Cần sớm có giải pháp thống nhất chung để bảo đảm liên thông, giải quyết khâu tiêu thụ hàng hóa, nông - thủy sản" - ông Trần Văn Lâu nói.

Để tháo gỡ khó khăn về sản xuất và tiêu thụ tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Tổ sản xuất kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thông báo đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; đề nghị các sở - ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình sản xuất, có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tuần qua, để đáp ứng tiêu thụ khoảng 6.500 tấn thủy sản, chủ yếu là cá da trơn (4.600 tấn) và các loại cá khác trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở NN-PTNT tỉnh đã phối hợp các ngành và tổ công tác của Bộ NN-PTNT kết nối, hỗ trợ người nuôi với các doanh nghiệp thu mua.

Theo ông Trần Văn Tuấn (Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), huyện đã thành lập 28 điểm tập kết hàng hóa, mỗi xã có từ 2-3 điểm để các xe tải đi theo luồng xanh đến lấy hàng đưa đến nơi tiêu thụ. Mỗi ngày tiêu thụ từ 1-2 tấn rau, củ, quả, trái cây, thủy sản… Ngành nông nghiệp huyện còn hỗ trợ nông dân lập 13 vựa thu nông sản. Những vựa này phát huy khả năng tiêu thụ khi mỗi ngày thu mua 3-5 tấn hàng hóa. Đồng thời, xã cấp giấy xác nhận cho nông dân đủ điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi đi thu mua trong địa bàn xã. Bên cạnh đó, một số HTX trong huyện tổ chức dịch vụ thu mua nông sản chở lên TP HCM hoặc các tỉnh khác tiêu thụ.

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa có quyết định thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản nhằm tăng cường cung ứng, kết nối hàng thiết yếu đến các tỉnh, thành phía Nam. Tổ này sẽ phối hợp với các ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, bảo đảm thông suốt, an toàn phòng chống dịch… 

"Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, giá lúa cũng bắt đầu tăng từ 100-300 đồng/kg do hệ thống thương lái, doanh nghiệp đang tăng mua trở lại. Hiện có 15.654 ha lúa được 12 doanh nghiệp, công ty tham gia thu mua.

Đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch nông sản

Theo Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, hiện đã có 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, cho biết trang web www.htx.cooplink.com.vn với 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông - thủy sản. Mỗi ngày, trang web kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200 - 400 tấn nông - thủy sản. Có 30 đơn vị, địa phương đã xác nhận tiêu thụ được nông sản qua kết nối từ trang web này. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương thành lập tổ điều hành thị trường nông sản để phối hợp thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương linh hoạt hơn trong việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển, tập hợp đội ngũ thương lái địa phương, về lâu dài, đưa vào quản lý như một đối tác đồng hành trong thu mua nông sản cho nông dân.

V.Duẩn

Bà NGUYỄN THỊ MỸ TRANG, Chủ nhiệm CLB Thị trường thuộc Saigon Times Club: Tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch

Chúng tôi đã hoàn thiện trang thương mại điện tử, kêu gọi các thành viên CLB hỗ trợ nhân lực, phương tiện vận chuyển cho dự án; thiết lập nguồn hàng từ các mối quan hệ sẵn có. Từ đó, chúng tôi có nguồn trái cây, gạo, trứng, thịt... chất lượng tốt, giá hợp lý phục vụ thị trường TP HCM với khoảng 200 đơn hàng/ngày. Hiện nhu cầu bán hàng của nông dân và mua hàng của người tiêu dùng còn rất lớn, mỗi xe tải của CLB cố gắng hết sức cũng chỉ giao được 30 đơn hàng/ngày do khách hàng phân tán. Chúng tôi mong muốn chính quyền các phường, xã giới thiệu về chương trình để người tiêu dùng có thể "mua chung", giao hàng chung thì sẽ tăng công suất phục vụ. Về phía nguồn cung, khâu đóng gói đang gặp khó khăn do thiếu bao bì (sản xuất, vận chuyển hạn chế) nên cần được gỡ vướng kịp thời. Ngoài ra, các vùng nguyên liệu, chủ vườn rất khó khăn trong việc huy động nhân công đến thu hoạch khiến nguồn cung không chắc chắn. Do đó, các địa phương nên tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch để giao thương nông sản không bị đứt gãy.

Ông NGUYỄN TUẤN KHỞI, sáng lập chương trình Thực phẩm chia sẻ (Foodshare Market): Phải có nhiều kịch bản tiêu thụ để không bị động

Hiện nay cần một "liên minh hỗ trợ logistics" để nông sản thông suốt từ vùng sản xuất đến người tiêu dùng. Ở các vùng nguyên liệu, sở NN-PTNT, hội nông dân sẽ là đầu mối trong việc tập trung nguồn hàng, thông tin về mặt hàng, thời gian thu hoạch..., còn ngành giao thông vận tải tạo điều kiện cấp "luồng xanh" cho các xe vận chuyển. Lập các trung tâm tiêu thụ tại TP HCM thay cho các chợ đầu mối đang phải tạm ngưng. Những địa điểm này có thể là sân vận động, đường phố rộng rãi để bảo đảm giãn cách khi mua bán. Qua thực tế hoạt động của Foodshare Market những ngày gần đây cho thấy sức mua đã giảm do người dân tiếp cận nông sản, thực phẩm đã dễ hơn trước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn rõ sản xuất nông sản của Việt Nam trong điều kiện bình thường đã thường xuyên phải "giải cứu". Đợt này là khó khăn kép cũng là lúc ngành nông nghiệp cần nhìn lại và có cuộc đại phẫu trong việc sản xuất phải theo thị trường, có nhiều kịch bản tiêu thụ để không bị động.

Ngọc Ánh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo