Ngày 12-10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh TP HCM và một số tỉnh, TP phía Nam có tình trạng khan hiếm xăng dầu. Chính vì vậy, hàng loạt câu hỏi liên quan đến đảm bảo nguồn cung mặt hàng quan trọng này đã được các cơ quan báo chí nêu ra với Bộ Công Thương.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh vấn đề nguồn cung xăng dầu hiện rất quan trọng, cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Theo ông Hải, từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. "Trong bối cảnh đó, đến giờ này, chúng ta đã rất cố gắng, cơ bản đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân" - ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí
Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể cả nước có 17.000 cửa hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết vừa qua có hiện tượng một số cửa hàng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, để có con số cụ thể cần phải thực hiện thống kê chính xác. "Dù có bao nhiêu cửa hàng, thì trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan đều phải nhìn thẳng vấn đề để có biện pháp xử lý, giải quyết. Dù một cửa hàng cũng là vấn đề phải giải quyết" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng nhắc lại thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đã phân giao lượng nhập khẩu tăng thêm cho các doanh nghiệp đầu mối.
Tuy nhiên ở thời điểm quý II/2022, giá xăng dầu thế giới lên cao nhất từ đầu năm. Sang đến quý III/2022, giá xăng dầu lại giảm mạnh, với lượng nhập khẩu lớn như vậy, doanh nghiệp thua lỗ lớn, buộc phải cắt giảm chiết khấu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ mức chiết khẩu là theo thoả thuận trong hợp đồng giữa các doanh nghiệp đầu mối với các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu. Bên cạnh đó, các chi phí định mức chưa được "tính đúng, tính đủ" so với thực tế, khiến doanh nghiệp chịu thua lỗ khi kinh doanh, trong thời gian dài.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông thông tin về tình hình xăng dầu
Thông tin thêm về tình hình thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, cho biết nguyên nhân chính của hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đã phối hợp với UBND các tỉnh, TP (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định. Theo đó, nhiều địa phương như TP HCM, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Cùng với đó, đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.
Bình luận (0)