Giá dầu thô WTI tại Mỹ hôm 21-4 tiếp tục được giao dịch ở mức âm, một ngày sau khi giảm sốc còn -37,63 USD/thùng. Theo Reuters, giá dầu thô WTI giao tháng 5 có lúc được giao dịch ở mức -2,58 USD/thùng, tức tăng 35,05 USD/thùng so với mức giá lịch sử nói trên.
Đừng mơ giá xăng... siêu rẻ!
Lý giải về sự kiện giá dầu lần đầu tiên về mức âm, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho rằng thời điểm này, do hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào đình trệ, tiêu dùng thấp chưa từng có, đẩy tồn kho tăng quá cao và thiếu kho dự trữ nên nhiều hợp đồng tuy đã ký nhưng chưa xuất do bên mua không có chỗ chứa. Tức là, hợp đồng ký rồi song không giao hàng vật chất. "Áp lực đẩy dầu đi đã khiến thị trường xoay chuyển theo hướng bên bán phải bù thêm khoản tiền để bên mua đưa dầu đi khi lượng ký bán đã quá nhiều mà không được tất toán. Nói cách khác, trên thị trường tương lai, khi hợp đồng dầu thô hết hạn, bên bán chuyển giao hàng hóa và bên mua buộc phải nhận. Do đó, khoản tiền từ giá dầu âm có thể gọi là khoản bù hoãn mua" - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước lý giải về giá dầu âm.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhấn mạnh không phải tất cả các hợp đồng giao dịch dầu thô đều giảm về mức âm. Thực tế cho thấy giá dầu thô WTI giao tháng 6 dù giảm mạnh nhưng vẫn duy trì ở mức 20,43 USD/thùng, đây cũng là hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên thị trường ngày 20-4 (giờ Mỹ). Bên cạnh đó, giá dầu thô WTI giao tháng 7 đã lên mức 28 USD/thùng và tháng 10 là 31,66 USD/thùng. Sở dĩ giá dầu thô WTI của các hợp đồng giao dịch tháng 7 hay tháng 10 vẫn duy trì được mức này là do nhu cầu thị trường được dự báo có thể tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Các bể chứa dầu thô tại TP Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Giá dầu thô WTI trên thị trường thế giới tụt sâu tạo kỳ vọng giá xăng, dầu bán lẻ tại thị trường trong nước giảm mạnh. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự lực I (đơn vị phân phối xăng dầu khu vực phía Bắc), cho hay dù giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 giảm cực mạnh, thậm chí có lúc rơi xuống giá âm nhưng không tác động trực diện đến thị trường xăng dầu của Việt Nam. Thực tế, thị trường Việt Nam sử dụng dầu Brent với mức giá vẫn đang duy trì trên 25 USD, không ghi nhận phiên nào trượt đáy quá mạnh mẽ như dầu thô WTI.
Dẫu vậy, xu hướng giảm giá dầu chung trên thế giới tất yếu sẽ tác động tích cực đến giá bán lẻ trong nước. Bằng chứng là thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước đã chứng kiến những đợt giảm giá mạnh và liên tiếp sau hàng chục năm neo ở mức khá cao. "Với diễn biến này, giá xăng dầu của Việt Nam có cơ hội giảm thêm 500-600 đồng/lít ở kỳ điều hành tới. Người tiêu dùng sẽ được lợi nhưng khâu trung gian phân phối đang bị giảm sản lượng bán ra khoảng 30%-40% do cầu giảm" - ông Tiu nhận xét.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, vì Việt Nam không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà nhập dầu thành phẩm tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ. Nhưng xu hướng giảm giá chung cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, trước hết là 2 bộ Công Thương và Tài chính, theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.
Nhập dự trữ dầu thô: Không dễ
Đánh giá sự kiện giá dầu lần đầu rơi xuống mức âm là một "thời điểm lịch sử chưa từng có", ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng đây là thời cơ tốt để nhanh tay nhập khẩu dự trữ dầu giá rẻ nhằm phục vụ cho nền kinh tế sau dịch. "Tất nhiên giá dầu âm chỉ là một khoảnh khắc trên thị trường trong bối cảnh cần đẩy dầu đi gấp rút khi kho đầy nhưng về cơ bản, trong vài tháng tới, giá dầu trên thị trường thế giới sẽ vẫn thấp" - ông nhấn mạnh.
Theo đó, ngay trong ngày 21-4, ông Trần Viết Ngãi đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ chỉ đạo những doanh nghiệp (DN) xăng dầu tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa xăng dầu hiện có để tăng cường nhập khẩu xăng dầu (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu).
Huy động toàn bộ các DN kể cả quân đội, DN tư nhân nếu có các bồn chứa đủ tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy bảo đảm chứa xăng dầu theo tiêu chuẩn quy định… để tích trữ một lượng xăng dầu lớn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay vốn, cung cấp đủ ngoại tệ… cho các DN, đơn vị được phép nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiu lại bày tỏ lo ngại khi thị trường có những diễn biến bất ngờ, ngoài tầm dự đoán, khiến dân kinh doanh không bắt được "đáy". Do vậy, không phải nhà nhập khẩu nào cũng dám chi tiền nhập dầu về lúc này. "Chưa kể, chi phí nhập dầu thô từ Mỹ về Việt Nam khá lớn, có thể khiến giá dầu nhập về cao hơn giá dầu thô khai thác trong nước. Trong khi đó, dầu thô trong nước cũng đang tồn kho lớn, thậm chí không còn kho chứa thêm. Mặt khác, Việt Nam không sử dụng nhiều dầu WTI nên cơ hội giá dầu giảm chỉ dành cho những đối tượng sử dụng nhiều loại dầu này" - ông Nguyễn Văn Tiu nêu hàng loạt lý do.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (DN kinh doanh xăng dầu tại Đà Nẵng), nhận định nhiều DN trong nước đã ký hợp đồng nhập dầu với mức giá từ 2-3 tháng trước, tức cao hơn hiện nay, nên còn đang lỗ và không đủ năng lực tài chính để tính đến chuyện thuê thêm kho bãi phục vụ nhập xăng dầu thời điểm này. "Chỉ khi DN có đủ tiền, có kho chứa thì mua dầu thô lúc này mới có lợi. Lợi không chỉ nằm ở giá mà còn ở chỗ có nguồn dầu thô giá rẻ vừa lọc vừa cung cấp cho thị trường trong nước, tiết kiệm được nguồn tài nguyên đất nước. Nhưng để giải quyết được vấn đề tài chính và kho chứa là chuyện không dễ, trừ khi kinh tế sớm hồi phục" - ông Phúc nói.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nêu quan điểm giá dầu giảm là tình huống đặc biệt trong bối cảnh thế giới phải đương đầu với đại dịch chưa từng có trong nhiều năm qua, do vậy tư duy ứng phó với thị trường dầu cũng không thể theo nguyên lý thông thường.
"Nếu theo nguyên lý thông thường, chúng ta có 2 cách phản ứng trong tình huống này. Một là nhập khẩu để tích trữ dầu giá rẻ, tất nhiên có tính toán kỹ đến trữ lượng của các kho. Hai là tính đến phương án tạm dừng sản xuất xăng dầu trong nước để tránh lỗ nặng nếu xu hướng giá dầu giảm kéo dài. Tuy nhiên, bối cảnh đặc biệt này đòi hỏi một phương án khác, đó là chống dịch hiệu quả trên toàn thế giới để hồi phục tổng cầu, làm ấm lại các hoạt động kinh tế, từ đó thị trường dầu sẽ ổn định theo. Hiện nay, giá dầu kỳ hạn vẫn tù mù vì chưa rõ việc chống dịch sẽ ra sao nên giải pháp ứng phó nào cũng đều rất khó" - nguyên Phó Viện trưởng CIEM phân tích.
Những ngày đen tối của giá dầu thô Mỹ
Sự hoành hành của dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh lên hoạt động kinh tế toàn cầu, làm cho phải hạn chế đi lại, khiến nhu cầu dầu giảm đến 30%. Giờ đây, sự thừa mứa nguồn cung dẫn đến nỗi lo thế giới không còn nơi trữ dầu. Tại Mỹ, các kho lưu trữ dầu chính tại TP Cushing, bang Oklahoma - trung tâm lưu trữ và là điểm giao hàng của hợp đồng WTI - dự kiến sắp hết chỗ chứa trong vài tuần tới. Vì thế, không ít thương nhân phải lựa chọn quyết định trả tiền cho người mua giữa lúc số kho chứa ngày càng ít đi.
Trong bối cảnh như thế, các chuyên gia nhấn mạnh cần sớm giảm đáng kể sản lượng để đưa thị trường trở lại cân bằng, từ đó giúp giá có thể tăng trở lại. Trước mắt, OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, đã đạt thỏa thuận giảm 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% sản lượng toàn cầu) trong hai tháng 5 và 6. Ngoài ra, một số nước ngoài OPEC+, như Mỹ, Canada, Brazil... cho biết sản lượng dầu của họ cũng đang giảm khi các công ty dầu ngưng khoan giếng dầu mới.
Dù vậy, theo Bloomberg, những gì xảy ra với giá dầu thô WTI cho thấy thị trường dầu không đủ kiên nhẫn để đợi OPEC+ và các nước khác ra tay. Trong nỗ lực nhằm giảm sức ép lên ngành công nghiệp dầu nội địa, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-4 cho biết chính quyền ông đang cân nhắc khả năng ngưng nhập khẩu dầu thô từ Ả Rập Saudi. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ đang trong quá trình cho các công ty thuê kho dự trữ dầu chiến lược để cất trữ khoảng 77 triệu thùng.
H.Phương
Bình luận (0)