Giới kinh doanh gas đưa ra khá nhiều lý do để giải thích cho sự tăng giá như giá gas thế giới tăng, nhu cầu tiêu thụ gas trong mùa đông tăng mạnh, thuế nhập khẩu gas tăng từ 2% lên 5%... Tuy nhiên, theo tính toán, trung bình giá vốn mỗi bình gas chỉ khoảng 300.000 đồng nhưng đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy lên đến 425.000 – 460.000 đồng. Với một bình gas 12 kg, hiện các doanh nghiệp (DN) đầu mối hưởng lợi khoảng 40.000 đồng, tổng đại lý hưởng 5.000 – 6.000 đồng, đại lý bán lẻ hưởng 40.000 – 50.000 đồng. Như vậy, người tiêu dùng đã bị móc túi hơn 100.000 đồng/bình gas và số tiền này lần lượt rơi vào tay các tầng nấc trung gian, bán hàng.
Tháng 1-2012, Sở Tài chính TPHCM đã phải kiểm tra 5 công ty kinh doanh gas trên địa bàn, kết quả là chỉ có một công ty không vi phạm các vấn đề về giá. Trong 4 DN còn lại, một DN sẽ tái kiểm, 3 DN bị xử phạt vì tự tiện tăng giá gas khi chưa đăng ký giá mới với Sở Tài chính, hóa đơn thanh toán cao hơn giá bán thực tế. Trước thực trạng giá gas biến động phức tạp, ngày 3-2, Thanh tra Sở Tài chính kết hợp với Ban Vật giá, UBND các quận, huyện trở lại kiểm tra các công ty gas và mở rộng đối tượng kiểm tra tất cả các đại lý, cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn TP…
Trở lại với diễn biến tăng giá gas, trong khi chờ đợi kết quả của việc chấn chỉnh từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng đang phản ứng lại việc tăng giá gas theo cách của mình. “Sốc” và lo ngại giá gas sẽ còn tăng, nhiều gia đình hạn chế tối đa việc dùng gas, chuyển sang sử dụng điện hoặc quay về dùng than tổ ong thay gas để tiết kiệm chi phí. Bằng chứng là doanh thu từ bán các sản phẩm bếp điện từ, bếp hồng ngoại, ấm điện, lò nướng… tại các siêu thị điện máy tăng mạnh. Các công ty kinh doanh gas cũng thừa nhận sức tiêu thụ giảm khoảng 30% so với trước Tết.
Đành rằng giá gas tăng theo xu hướng tăng giá chung của giá thế giới và dù muốn dù không, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận sự tăng giá đó. Tuy nhiên, sự chịu đựng của người tiêu dùng không phải là vô hạn. Trong điều kiện thu nhập đứng yên, nhìn giá cả hàng hóa, dịch vụ nhảy múa loạn xạ thì sự chênh lệch quá lớn giữa giá gốc và giá bán lẻ gas làm cho người tiêu dùng bức xúc. Nếu về lâu dài, các DN kinh doanh gas không tính toán lại, giảm bớt các tầng nấc trung gian và sòng phẳng hơn với người tiêu dùng, điều chỉnh giảm lợi nhuận theo hướng nhà kinh doanh, người tiêu dùng cùng có lợi thì khó tránh khỏi người tiêu dùng quay lưng với gas. Cái giá phải trả cho các DN lúc đó sẽ không nhỏ.
Bình luận (0)