Theo dự thảo đề án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo (theo sự phân công của Chính phủ), lãi suất tín dụng trong thời gian từ năm 2012 đến nay dù có xu hướng giảm nhưng chưa tạo được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung và dài hạn, khiến doanh nghiệp giảm động lực triển khai các hoạt động đầu tư trung và dài hạn. Việc điều hành tín dụng chưa gắn với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm.
Các chuyên gia cho rằng việc kéo lãi suất vay về mức 5%/năm bằng mệnh lệnh hành chính là điều khó khả thi Ảnh: TẤN THẠNH
Cùng với lãi suất, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH), dù nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng trong những năm qua nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn chậm do nhiều nguyên nhân. Theo dự thảo, cơ quan quản lý sẽ sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường tại các NH, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán, đặc biệt là các NH được kiểm soát đặc biệt. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm.
Để đưa ra mức lãi suất này, cơ quan soạn thảo đặt mục tiêu duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm. Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo NH thương mại băn khoăn về mục tiêu này. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM phân tích thông thường, nếu lãi suất cho vay 5%/năm thì lãi suất huy động sẽ phải ở mức 1%-2%/năm (chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tối thiểu chiếm khoảng 2%). Và khi lãi suất huy động xoay quanh 1%-2%/năm, muốn có lãi suất thực dương để thu hút người gửi tiền, lạm phát sẽ phải ở mức thấp hơn nữa, đồng thời tỉ giá trong 5 năm tới cũng phải rất ổn định. “Điều này e rằng rất khó trong tình hình hiện nay. Do đó, mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay về quanh 5%/năm là thách thức lớn” - vị này nhận xét.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc áp một mức lãi suất mục tiêu cụ thể trong 5 năm tới là biện pháp hành chính có vẻ không phù hợp trong xu hướng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tiến tới tự do hóa lãi suất và trở thành nền kinh tế thị trường vào năm 2018. Đồng thời, lãi suất cho vay phụ thuộc vào thỏa thuận giữa NH và khách hàng căn cứ vào mức độ rủi ro nên không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính. “Quan trọng hơn, cơ sở để đưa ra mức lãi suất cho vay 5%/năm phải căn cứ trên cơ sở lạm phát, thị trường tiền tệ. Muốn giảm lãi suất cả huy động - cho vay phải điều hành tốt lạm phát, định hướng của chính sách tiền tệ phải là điều hành theo lạm phát mục tiêu như thông lệ quốc tế. Khi đó, lãi suất trên thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh phù hợp thay vì đưa ra con số cụ thể” - ông Lực nói.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế được ông Cấn Văn Lực đưa ra cho thấy trong khoảng 10 năm qua, lãi suất thực (lãi suất sau khi trừ lạm phát) của Việt Nam ở mức trung bình so với khu vực, nghĩa là lãi suất cao một phần do lạm phát. Trong khi đó, điều quan trọng mà doanh nghiệp cần còn là khả năng tiếp cận vốn. “Khả năng tiếp cận nguồn tài chính, nguồn vốn NH và các chi phí không chính thức mới là những phiền toái mà các doanh nghiệp quan tâm, cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ trong thời gian tới” - ông Lực nhận xét.
Khó giảm thêm lãi suất
Từ nay đến cuối năm 2016, theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM, lãi suất cho vay sẽ khó giảm thêm bởi lãi suất huy động đang có xu hướng nhích dần lên ở một số NH để thu hút tiền gửi trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Nợ xấu ở các NH cũng có xu hướng đi lên làm tăng chi phí hoạt động của NH và lạm phát từ nay đến cuối năm cũng được dự báo nhích lên.
Bình luận (0)