Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho biết đến nay, có ít nhất 6 DN dùng thương hiệu Lửa Việt để hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đó chỉ là những đơn vị mà công ty biết được thông qua bạn bè, đồng nghiệp hoặc chính khách hàng phản ánh. “Số lượng DN mượn danh Lửa Việt có thể nhiều hơn nhưng công ty không thể biết được và đến giờ cũng không còn sức đi kiện, có khi chưa thắng được “ông cổ phần Lửa Việt” đã xuất hiện thêm 2-3 “ông thương mại hoặc tư nhân Lửa Việt” khác” - ông Mỹ chua chát.
Cách đây mấy năm, lần đầu tiên phát hiện Công ty CP Thương mại Lửa Việt (trụ sở ở phía Bắc) chào mời khách mua tour, lãnh đạo Công ty Dã ngoại Lửa Việt đã cho người ra tận nơi để điều tra, tìm hiểu thông tin, phản ánh đến cơ quan chức năng và thậm chí có ý định khởi kiện ra tòa để đòi công bằng. Kết quả, Lửa Việt “cổ phần” đòi... kiện ngược, yêu cầu Lửa Việt “dã ngoại” phải xin lỗi vì cho rằng mình bị vu cáo!
Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòa Bình, cũng cho biết thương hiệu của công ty bà bị nhái một thời gian dài nhưng cứ xử lý chỗ này lại “mọc” chỗ khác. “Chúng tôi là Công ty Du lịch Hòa Bình, lập tức xuất hiện Công ty Du lịch Hòa Bình B. Đến khi bị khiếu nại yêu cầu ngừng hoạt động thì DN này chuyển địa điểm xuống Bình Dương và lập Công ty Du lịch Hòa Bình C.!” - bà Lệ dẫn chứng.
Điều đáng nói là việc nhái tên, mượn danh những đơn vị có uy tín trên thị trường đang được pháp luật cho phép nên DN chỉ biết đứng nhìn công sức xây dựng thương hiệu nhiều năm bị người khác sử dụng miễn phí. Theo Hiệp hội Du lịch TP HCM, Nghị định 43 của Chính phủ ra đời năm 2010 cho phép những trường hợp tên trùng có thể thêm địa danh, địa phương hoặc tên miền... khiến DN làm ăn chân chính bị lợi dụng và tình trạng “nhái” thương hiệu DN có uy tín bắt đầu nở rộ.
“Ở các nước, cùng một ngành nghề thì không được trùng tên. Việt Nam đã hội nhập toàn cầu thì cũng nên theo thông lệ này” - bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, đề xuất.
Bình luận (0)