Hụt hơi vì thiếu vốn
Nhiều doanh nghiệp trong nước loay hoay tìm cách duy trì một phần hoạt động trước khi có thể tính tới phương án phục hồi toàn diện và phát triển
Các doanh nghiệp (DN) đang bước vào mùa sản xuất - kinh doanh cao điểm để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Nhu cầu vốn của DN do vậy cũng tăng song không dễ tiếp cận hầu hết kênh huy động vốn.
Sang nhượng tài sản để có tiền
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm, phản ánh lãi suất tăng cao thời gian qua ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của DN. Đặc điểm của lĩnh vực dệt may là khách hàng thường trả chậm 3-4 tháng trong khi DN phải thanh toán ngay chi phí mua nguyên vật liệu, dẫn đến khó khăn dòng tiền. "Dù phải bù lỗ tỉ giá, càng làm càng lỗ, chúng tôi vẫn phải tìm kiếm thêm đơn hàng cả ở trong và ngoài nước, miễn là có việc làm cho công nhân" - ông Trịnh nói.
Với ngành gỗ, ông Trần Văn Quang, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khánh Xương, cho hay công ty đang đối mặt với tình hình giảm mạnh đơn hàng khiến doanh thu sụt giảm. Nếu năm ngoái, công ty xuất khẩu khoảng 100 container sản phẩm gỗ các loại mỗi tháng thì đầu năm nay chỉ còn 30-35 container/tháng và gần đây, chỉ xuất được trung bình 8 container/tháng.
"Chúng tôi rất cần vốn để duy trì hoạt động nhưng mấy tháng qua không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi nào. Trong khi đó, lãi suất vay bình thường khá cao mà cũng không dễ giải ngân. Chúng tôi đã chọn vay bằng USD để được hưởng lãi suất không quá cao, chỉ khoảng 4%/năm, song thời gian gần đây lại gặp biến động lớn về tỉ giá" - ông Quang ngao ngán.
Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết DN đang rơi vào thế "kẹt giữa hai đầu", gồm đầu vào từ các trang trại chăn nuôi và đầu ra các kênh bán lẻ. Trước đây, khách hàng của công ty thanh toán rất tốt, còn nay nợ quá hạn đã tăng đến 30%. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng không còn hạn mức (room) tín dụng, DN chưa thể vay vốn ngân hàng hoặc kênh ưu đãi khác, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu không có giải pháp gọi vốn bổ sung từ các cổ đông, công ty sẽ gặp khó trong duy trì hoạt động.
Tương tự, Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy - ông Hoàng Văn Thủy - kể sau dịch COVID-19, công ty cần nguồn vốn lên tới khoảng 50 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu, chăm sóc khách hàng, chi trả lương cho người lao động nhưng không thể tiếp cận được nguồn vay ưu đãi.
Trong thời điểm cao điểm sản xuất dịp cuối năm, công ty cần thêm khoảng 30 tỉ đồng, chấp nhận lãi suất cao song cũng không thể vay được ngân hàng. Tình thế cấp bách, công ty phải sang nhượng tài sản để có khoảng 10 tỉ đồng giải quyết phần nào nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Đỗ Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thép Việt - chỉ rõ thị trường bất động sản gần như đóng băng trong những tháng gần đây khiến các mặt hàng sắt ế ẩm, tồn kho lớn, giá bán thấp hơn giá thành. Việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng động thái siết tín dụng thời gian qua đã đưa nhiều DN vào tình cảnh khó khăn.
DN lĩnh vực du lịch cũng chật vật không kém bởi không có tài sản thế chấp để tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhằm tận dụng cơ hội thị trường khách inbound (nội địa) và outbound (du lịch nước ngoài) đang hồi phục tốt.
Doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên vốn cho ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng hóa phục vụ dịp Tết 2023 và ngành sử dụng nhiều lao động. Trong ảnh: Chế biến thạch dừa tại Nhà máy Vina Coco, tỉnh Đồng Nai Ảnh: AN NA
Gồng lỗ để đầu tư lâu dài
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội DN TP HCM (HUBA), thông tin có những DN phải vay "nóng" với lãi suất 3%-5%/tháng để giải quyết nhu cầu vốn trong ngắn hạn. Một số DN thì tham gia nhiều chương trình khuyến mãi bán dưới giá vốn để đẩy hàng tồn, chấp nhận "lỗ ít chính là lời" để có dòng tiền luân chuyển, đầu tư lâu dài cho thương hiệu, trong tương lai có thể thu lợi nhuận từ sản phẩm khác.
"Đã bước vào tháng cuối cùng của năm, chúng ta không nên bàn câu chuyện nới room tín dụng hay không nữa. Đến năm 2023, hệ thống ngân hàng sẽ có room mới. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần ưu tiên giải ngân cho các DN sản xuất những hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động và ngành xuất khẩu nông - lâm - thủy sản để mang ngoại tệ về" - ông Nghĩa nêu quan điểm.
Báo cáo tổng hợp khó khăn, thách thức của các DN những tháng cuối năm nay do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phát hành nêu rõ sau hơn 2 năm chịu tác động bởi dịch COVID-19, DN Việt Nam vừa gặp khó khăn đặc biệt về vốn vừa tiếp tục đối mặt với những khó khăn nội tại từ trước liên quan đến nền tảng quản trị, công nghệ... Những điều này khiến phần lớn DN rơi vào tình thế "chông chênh" khi phải gắng sức duy trì một phần hoạt động trước khi có thể tính tới việc phục hồi.
Báo cáo này dẫn chứng DN ngành thép phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30%-40% để có dòng tiền trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo. DN các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng ngân hàng hiện không giải ngân. DN ngành nông nghiệp thì khó tiếp cận được nguồn vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số loại nông sản có kỳ thu mua tập trung ở những tháng cuối năm trước và đầu năm sau.
Trong khi đó, DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất không thể thanh toán vì chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho DN cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng bằng vốn đầu tư công đang đình trệ, ảnh hưởng lớn đến nhóm DN này.
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các DN FDI có sẵn nền tảng quản trị hiệu quả, khoa học hơn DN trong nước, chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn trong đại dịch COVID-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước.
"Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa hai thành phần kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của DN và nền kinh tế Việt Nam" - ông Trương Gia Bình nhìn nhận.
Áp thêm điều kiện cho bên vay vốn?
Phó Chủ tịch HUBA Lê Hữu Nghĩa phản ánh nhiều DN bức xúc trước tình trạng bị "ép" phải mua bảo hiểm mới được vay vốn. "Có DN vay chỉ 10 tỉ đồng nhưng phải mua bảo hiểm đến 1-2 tỉ đồng. Nguyên nhân bởi nhu cầu vay vốn trên thị trường rất nhiều nhưng nguồn vốn lại ít nên ngân hàng sẽ lựa chọn DN để cung cấp vốn. Vì thế, nếu DN không "tự nguyện" mua bảo hiểm sẽ không được ngân hàng nhận hồ sơ vay vốn cũng như không được giải ngân" - ông Nghĩa cho hay.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cũng sốt ruột trước tình hình DN không có lợi nhuận, tồn kho nhiều, trục trặc về dòng tiền. Ông Phương đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét DN nào vẫn hoạt động hiệu quả, có đơn hàng xuất khẩu thì cho vay vốn để hoạt động, từ đó đóng góp chung cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 11, cả nước có gần 12.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 104.500 tỉ đồng và số lao động đăng ký là 74.000 người. Như vậy, tháng 11 giảm 8,3% số DN thành lập mới, giảm 2,3% về vốn đăng ký và giảm 3,7% về số lao động so với tháng trước đó.
Cũng trong tháng này, cả nước có 4.006 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021; 5.095 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,3% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ; 1.422 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 11,2% so với tháng trước nhưng tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2022, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 70.200, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021; gần 45.300 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,7%; 16.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.
Th.Dương
Bình luận (0)