Ngày 6-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh trong báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo đánh giá của WB, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018, với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện. WB chỉ ra rằng quá trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đang gặp bất cập, tốn thời gian và chi phí ở các khâu: đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), làm dấu DN, thông báo mẫu dấu, in hoặc mua hóa đơn, thông báo lao động…
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), nêu thực tế chỉ riêng thủ tục đăng ký mua hóa đơn/sử dụng hóa đơn điện tử hoặc tự in hóa đơn đã khiến DN tốn 10 ngày để hoàn thiện, với chi phí 200.000 đồng/bộ. Mặc dù tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có những lý giải về việc làm thủ tục hóa đơn hiện nay đã đơn giản hơn, được giải quyết trong ngày nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng những việc đó chỉ mới nằm "trên giấy", còn thực tế thì DN vẫn phải tốn rất nhiều thời gian. Ông đề nghị 2 cơ quan này xem xét, khảo sát từ thực tiễn để cắt thủ tục, giảm thời gian cho DN, bởi trong số 19 ngày để hoàn thành quá trình khởi sự kinh doanh thì thủ tục liên quan đến hóa đơn đã chiếm 10 ngày.
Bên cạnh đó, thủ tục khai trình sử dụng lao động cũng bị WB đánh giá đang là rào cản cho quá trình khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) lại giải thích việc này không phải là một thủ tục như nhận định của WB mà DN chỉ phải gửi một báo cáo tới cơ quan quản lý lao động.
Trước quan điểm này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP lập tức phản hồi và khẳng định đây là một thủ tục. "Đây không chỉ đơn giản là khai báo mà là một thủ tục để DN đi vào hoạt động. Bộ nói không phiền hà nhưng ở địa phương thì khác, nếu khai báo không đúng, sử dụng nhiều hơn số lao động đã đăng ký, DN chắc chắn khổ lắm" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhắc đến biểu mẫu đăng ký, khai trình sử dụng lao động theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH có rất nhiều mục, nhiều yêu cầu, nhiều mốc thời gian khác nhau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận để tuân thủ được, DN cũng "phát ốm". "Không chỉ là đăng ký số lao động ban đầu mà biểu mẫu này yêu cầu DN khai trình sử dụng 6 tháng, một năm, giữa kỳ. Như thế này, DN kêu suốt ngày làm báo cáo cũng đúng, làm cả đêm cũng không kịp" - Bộ trưởng nêu thực tế và đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét vấn đề này.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần quy định việc khai trình sử dụng lao động là một thành phần hồ sơ ngay từ khi đăng ký kinh doanh. "Người thành lập DN sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh, không phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý lao động nữa" - ông Vũ Đại Thắng nói. Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở dữ liệu quốc gia về DN, BHXH, dữ liệu về lao động chưa được tích hợp, kết nối nên quá trình DN đi làm thủ tục còn phải chờ đợi, tốn thêm chi phí.
Chữ ký điện tử còn đắt
Trước kiến nghị của ông Ngô Hải về việc bỏ quy định DN vừa phải thực hiện thủ tục trực tuyến vừa phải nộp hồ sơ bản giấy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết khi đăng ký kinh doanh, nếu bộ hồ sơ điện tử có chữ ký điện tử thì không cần nộp hồ sơ giấy, nhưng nếu chưa có chữ ký điện tử thì phải nộp hồ sơ giấy theo quy định của pháp luật. Theo thứ trưởng, hiện chi phí cấp chữ ký điện tử tại Việt Nam vẫn khá cao, mỗi chữ ký khoảng 1,5 triệu đồng/năm nên số lượng người dùng còn hạn chế.
Bình luận (0)