Điểm chung của các startup trẻ ở vùng đất chín rồng là cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo và bản lĩnh hơn người.
Thành công từ cây giống cấy mô
Vừa "bỏ túi" giải nhì trong Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp và giải ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL với dự án khởi nghiệp "Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô", chị Nguyễn Phượng Hằng (30 tuổi; ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), chủ Cơ sở cây giống cấy mô HF, hào hứng lên kế hoạch mở rộng nghiên cứu, phát triển các loại giống cây trồng bằng phương pháp cấy mô để cung cấp cho bà con nông dân các tỉnh miền Tây.
"Dự án của tôi được Hội đồng giám khảo đánh giá cao vì có tính đột phá, khác biệt so với các dự án khởi nghiệp khác ở ĐBSCL. Đó là động lực lớn giúp tôi tiếp tục dự án để đóng góp cho xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cây giống, cải thiện một số giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu" - chị Hằng tự hào.
Năm 2009, nhận thấy nhu cầu thị trường về cây giống rất lớn nên sau 5 năm làm việc cho công ty sản xuất, kinh doanh cây giống ở tỉnh Đồng Nai, chị Nguyễn Phượng Hằng quyết định từ bỏ công việc với mức lương ổn định, về quê khởi nghiệp làm cây giống cấy mô.
Những ngày đầu bắt tay vào dự án, với kiến thức tích lũy được từ chuyên ngành công nghệ sinh học và kinh nghiệm 5 năm làm thuê, chị Hằng vay mượn từ người thân, bạn bè 200 triệu đồng để đầu tư phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, mua sắm trang thiết bị cần thiết. Dự định ban đầu là nghiên cứu, lai tạo một số giống hoa kiểng đặc trưng ở Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) để phục vụ cho nông dân.
Thế nhưng, cơ duyên lại đưa chị gắn bó với cây chuối. "Ngay sau khi Cơ sở cây giống cấy mô HF đi vào hoạt động, tôi nhận được đơn đặt hàng hơn 100.000 cây chuối cấy mô, tổng trị giá trên 230 triệu đồng. Do cơ sở mới thành lập và để sản phẩm bảo đảm chất lượng, giao hàng đúng thời hạn, tôi chỉ nhận cung cấp một phần đơn hàng" - chị Hằng nhớ lại.
Với đơn hàng đầu tay này, chị Hằng tìm mua cây giống chuối tốt, đạt yêu cầu ở khắp nơi mang về xử lý, thí nghiệm nhân nuôi một thời gian rồi đưa cây ra ngoài môi trường tự nhiên thuần hóa trước khi cung cấp cho khách hàng.
Cây giống làm ra đạt chất lượng, khắc phục được những hạn chế của việc trồng theo cách truyền thống (tách cây giống từ cây mẹ), đạt năng suất cao. Từ thành công bước đầu này, chị Hằng tập trung phát triển cây giống cấy mô đối với các loại chuối như chuối xiêm, chuối già, chuối sáp và có đầu ra ổn định, có khả năng cung cấp ra thị trường 30.000 cây giống/tháng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bìa trái), tham quan mô hình trồng nấm của Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia Ảnh: Nguyệt Ánh
Bonsai bằng dây đồng
Tại TP hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), anh Trịnh Trần Ngọc Anh (38 tuổi; ngụ phường 1, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến với biệt tài làm kiểng bonsai bằng dây đồng. Vốn đam mê tạo dáng kiểng bonsai, sau thời gian tham gia tạo tác những chậu hoa kiểng bonsai thông thường, anh Ngọc Anh bắt đầu thử nghiệm tạo ra các loại bonsai bằng dây đồng. Mỗi sản phẩm đều được anh thổi hồn vào một cách sinh động theo nhiều dáng thế như: dáng trực, dáng xiên, dáng hoành, dáng huyền...
Ban đầu, anh Ngọc Anh chỉ làm ra những cây nhỏ, gọn để tặng bạn bè, người thân. Đến năm 2017, những chậu bonsai nhỏ nhắn, xinh xắn và tinh xảo của anh được tung ra thị trường, trở thành món hàng lưu niệm độc đáo của thành phố hoa nổi tiếng nhất miền Tây.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người đến đặt hàng. Đến nay, anh cung cấp cho thị trường hàng ngàn sản phẩm các loại. Ngoài bán trực tiếp tại nhà, sản phẩm thường xuyên có mặt tại hội chợ, gian hàng khởi nghiệp và bán hàng qua mạng... nên đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
"Tôi đi du lịch nhiều nơi, thấy chỗ nào cũng có quà lưu niệm đặc trưng của địa phương. TP Sa Đéc nổi tiếng với làng hoa kiểng nhưng hoa tươi thì khó vận chuyển xa và khó bảo quản nên tôi nảy sinh ý tưởng làm bonsai bằng dây đồng. Tôi rất vui khi sản phẩm trở thành món quà độc đáo cho khách mang về từ làng hoa" - anh Ngọc Anh chia sẻ về ý tưởng thực hiện mô hình.
Do dây đồng khá mềm nên để tạo ra một chậu bonsai tinh xảo, anh Ngọc Anh phải thực hiện nhiều công đoạn, đòi hỏi rất kỳ công, từ lựa chọn nguyên liệu đến việc tỉ mỉ uốn, tạo dáng từng chi tiết nhỏ. Để có một sản phẩm bonsai đẹp thì ngoài việc thổi hồn vào từng sợi dây đồng, tạo các thế dáng độc đáo thì việc lựa chọn chất liệu cùng những chiếc chậu cho hài hòa, cân đối cũng là yếu tố quan trọng làm bật lên sức sống cho chậu bonsai.
"So với bonsai thông thường thì bonsai dây đồng có độ bền cao, phù hợp trưng bày trong nhà, phòng làm việc và đặc biệt là không tốn thời gian chăm sóc" - anh Ngọc Anh phân tích ưu điểm của sản phẩm. Để các sản phẩm thêm đa dạng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ngoài dây đồng, anh Ngọc Anh còn nghiên cứu thêm nhiều nguyên liệu mới như: dây nhôm, hạt cườm, hạt pha lê, vải...
Cũng là "dân" công nghệ sinh học và có 5 năm trải nghiệm tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi, TP HCM), chị Huỳnh Thị Thanh Nhàn (28 tuổi) rủ em gái Huỳnh Thị Thì Nhớ (26 tuổi) về mở cơ sở trồng nấm tại quê nhà: xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia được thành lập năm 2020. Từ tiền tích lũy và số vốn hỗ trợ của gia đình, hai chị em đầu tư trang thiết bị, tự thiết kế nhà trồng nấm quy mô khoảng 500 m2.
Với kiến thức chuyên ngành công nghệ sinh học và công nghệ hóa học của chị em Thanh Nhàn, Thì Nhớ, Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia dần chủ động từ nhân giống, làm phôi nấm đến nuôi trồng nấm thương phẩm. Nhờ vậy, cơ sở kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá thành sản xuất cũng được kéo giảm hiệu quả hơn.
Bình luận (0)