Trả lời báo giới nhân dịp đầu năm mới, Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã hé mở một số phương án mà cơ quan này sẽ áp dụng trong đề án huy động vàng vào nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng quan trọng nhất vẫn là một hành lang pháp lý minh bạch, công khai khi thực hiện đề án này.
Vàng nằm “chết” trong “gầm giường”!
Từ lâu, người dân đã có thói quen tích cóp vàng như một phương thức bảo toàn tài sản của mình. Nhiều hay ít, mỗi người đều “thủ” cho mình một ít vàng. Vài năm trở lại đây, nhu cầu mua vàng ngày càng tăng khi kinh tế khó khăn, lạm phát cao. Một trong những nguyên nhân chính của các đợt “sốt” giá vàng thời gian qua chính là bởi lực mua tăng vọt nhưng nguồn cung không đáp ứng xuể.
Ngày 10 tháng giêng đầu năm nay (1-2) là ngày vía thần tài, người dân tại TPHCM lại kéo nhau đi mua vàng cầu may mắn trong năm mới. Nhu cầu mua vàng, cất giữ vàng của người dân là có thật. Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, khoảng 300-500 tấn vàng đang nằm “đông cứng” trong két sắt của người dân. Con số này tương đương với khoảng 17-27 tỉ USD nếu quy đổi theo giá vàng hiện tại.
Lợi cho cả người dân và Nhà nước
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nguồn lực vàng lớn nằm “bất động” trong dân là quá lãng phí, cần huy động chúng vào phục vụ phát triển kinh tế. Mới đây, một số NH thương mại có lượng vàng huy động lên tới hàng chục tấn đã xin được xuất khẩu vàng tài khoản để tăng thanh khoản.
Từ nguồn vàng huy động được, nếu Nhà nước bán trở lại cho người có nhu cầu thu tiền đồng còn góp phần kéo lạm phát xuống khi lượng tiền đồng lưu thông trong nền kinh tế giảm bớt. “Trước đây, có thời kỳ lạm phát ở nước ta lên tới 700%, Nhà nước ngay lập tức cho nhập 30 tấn vàng rồi bán ra thị trường thu về tiền đồng đã giúp giảm lạm phát. Vì thế, đây còn được xem là một kênh chống lạm phát tốt” - ông Đinh Nho Bảng dẫn chứng.
Lập đề án huy động vàng
Lợi ích từ nguồn vàng khổng lồ trong dân đối với nền kinh tế ai cũng thấy, nhưng khơi thông nguồn lực này như thế nào?
“Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói cách khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NH Nhà nước trong việc huy động vàng” - Thống đốc nêu rõ. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Mặt khác, Nhà nước sẽ dùng nhiều công cụ khác nhau như kinh doanh vàng tài khoản trên thị trường quốc tế để bảo hiểm rủi ro biến động của giá vàng thế giới. Nhà nước cũng bảo đảm giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể chuyển số vàng này thành ngoại tệ góp phần phát triển kinh tế…
Thực tế, có nhiều biện pháp huy động vàng tùy thuộc vào chính sách quản lý, quy trình nghiệp vụ của NH Nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách này phải bảo đảm cân bằng lợi ích giữa người gửi vàng và người huy động.
Nên cho kinh doanh vàng qua tài khoản Người gửi vàng phải cảm thấy có lợi khi gửi với lãi suất hấp dẫn, có tính thanh khoản cao. Theo đó, Nhà nước sẽ phát hành chứng chỉ vàng với cơ chế có thể dễ dàng chuyển nhượng, trao tặng, mua bán, thế chấp để vay vốn hoặc thừa kế… Lúc này, các công cụ tài chính trên thị trường thứ cấp phải được thiết kế, phát triển với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và công khai.
Quan trọng hơn, Nhà nước nên cho kinh doanh vàng qua tài khoản thay vì mua bán vàng vật chất như hiện nay. Việc kinh doanh vàng qua tài khoản không chỉ để Nhà nước quản lý được mà còn thêm nguồn thu thuế…
Đồng thời, kinh doanh vàng qua tài khoản còn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (đơn vị huy động vàng) có phương tiện phòng ngừa rủi ro biến động giá. Khi thị trường trong nước liên thông với thế giới, chênh lệch giá cũng sẽ không còn cao như hiện nay. |
Bình luận (0)