Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho rằng Nghị định 24 có hiệu lực từ tháng 5-2012. Sau đó, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tư 16 của Ngân hàng (NH) Nhà nước đã hướng dẫn thực hiện nhưng hiện nhiều DN còn lúng túng khi áp dụng các quy định về vàng trang sức. Gần đây, đoàn liên ngành kiểm tra đồng loạt và đã có nhiều DN bị phạt do sai phạm. Điều này tạo nên tâm lý lo lắng cho nhiều DN làm vàng trang sức.
Doanh nghiệp có thể nhập nguyên liệu sản xuất vàng trang sức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Ảnh: TẤN THẠNH
Về quy trình kiểm tra vàng trang sức, ông Phan Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, giải thích đoàn chức năng sẽ lấy 2-3 mẫu kiểm tra giá cả, khối lượng, hàm lượng vàng để xác định có sai lệch so với chất lượng mà nhà sản xuất công bố hay không. Riêng việc kiểm định hàm lượng, đoàn sẽ lấy mẫu bằng cách mua đứt mẫu sản phẩm rồi chỉ định tổ chức xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm sai lệch với thông tin do nhà sản xuất công bố, cơ quan chức năng sẽ xử phạt chủ tiệm.
Theo ông Đồng, chủ tiệm có giấy chứng nhận sản xuất vàng trang sức do NH Nhà nước cấp mới được đóng ký hiệu và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
Bà Trần Thị Ngọc Thịnh, đại diện NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết quy định không cấm DN nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phải thực hiện theo quy định của NH Nhà nước. Theo đó, DN phải đáp ứng khá nhiều điều kiện, trong đó phải chứng minh nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu; hoạt động sản xuất, cung ứng vàng trang sức phải được NH Nhà nước kiểm soát.
Liên quan đến bức xúc của nhiều DN là vay tiền để sản xuất vàng trang sức, bà Thịnh cho biết NH Nhà nước đang nghiên cứu các quy định về loại hình này để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn NH trong thời gian tới.
Bình luận (0)