Ngày 25-10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cung cấp một số thông tin liên quan đến các vấn đề đang gây sự chú ý trong dư luận là xử lý nợ xấu và quản lý thị trường vàng.
Không thể xử lý 100% nợ xấu
Theo số liệu công bố, sau hàng loạt giải pháp xử lý, đến nay, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm được 36.500 tỉ đồng trong tổng nợ xấu được thống kê theo chuẩn của NHNN là khoảng 202.000 tỉ đồng, chiếm 8%-10% tổng dư nợ tín dụng.
Theo đánh giá của NHNN, nợ xấu cao không phải là chuyện lạ. Bản thân các ngân hàng không phải tác nhân tạo ra nợ xấu mà đó là hệ quả của tăng trưởng tín dụng quá nóng. Trong điều kiện kinh tế không thuận lợi, vấn đề nợ xấu mới bộc lộ rõ hơn.
NHNN đang nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ và sẽ trình đề án lên Chính phủ và Bộ Chính trị trước ngày 15-11. Khối lượng nợ xấu mà công ty mua bán nợ xử lý có quy mô khoảng 60.000-100.000 tỉ đồng. Hiện nay, các ngân hàng cũng đang tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc xóa nợ, dãn nợ, chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng trích lập quỹ dự phòng.
Ba bước quản lý thị trường vàng
NHNN cũng khẳng định cùng với vàng SJC, vàng miếng mang các nhãn hiệu khác đã được mua bán từ trước vẫn được tiếp tục lưu thông, mua bán. Do đó, việc chuyển đổi vàng miếng từ nhãn hiệu khác sang nhãn hiệu SJC là quyền của người sở hữu, NHNN không bắt buộc.
NHNN cũng cho biết đang xem xét khả năng nới thời hạn tất toán vàng của các ngân hàng thương mại thay cho mốc quy định là ngày 25-11. Vì đến thời điểm này, các ngân hàng phải mua thêm khoảng 20 tấn vàng nhưng do rơi vào quý IV, thời điểm nhiều doanh nghiệp phải rút tiền trả lương, thưởng khiến thanh khoản của ngân hàng yếu.
Phải huy động vàng trong dân Trước việc người dân đang lo lắng khi trên thị trường xuất hiện vàng SJC giả, sáng 25-10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cho rằng thị trường vàng của Việt Nam có 3 vấn đề phải giải quyết: Phải liên thông với thị trường thế giới; phải huy động được và sử dụng lượng vàng đang ở trong dân; phải làm tốt khâu dự trữ, lưu thông cũng như quản lý chất lượng vàng miếng. Với những trường hợp bị nghi là vàng giả, ông Kiêm cho rằng cơ quan chức năng cần phải kiểm tra và xử lý cụ thể. Nếu do lỗi của ngân hàng trong quản lý thì phải xử lý ngân hàng, nếu khuyết điểm từ người chế tác thì phải xử lý người chế tác. Cũng không loại trừ khả năng do sự thiếu cảnh giác, thiếu chặt chẽ của người mua. “Mua vàng tại ngân hàng thì phải có biên lai, có bản cam kết về chất lượng nhưng có khi người mua lại đơn giản hóa, không đòi hỏi những giấy tờ cần thiết, đến khi xảy ra hậu quả thì phải chấp nhận” - ông Kiêm nhận định.
B.Trân |
Bình luận (0)