Theo công bố của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, đến nay mới chỉ 2 bộ hoàn thành mục tiêu bãi bỏ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), gồm Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Còn các bộ, ngành khác đã làm nhưng chưa đạt số lượng, thậm chí nhiều bộ đến nay mới rà soát, chưa có phương án thay đổi nên chưa đề xuất được ĐKKD cần bãi bỏ. Một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số ĐKKD bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu; chủ yếu là sửa đổi. Thậm chí có bộ còn chưa có báo cáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có bộ, ngành (Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước) còn đề nghị giữ nguyên ĐKKD như hiện hành.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được 10 điểm % so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm % số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Kết quả đạt được là không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và còn khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra là đạt mức trung bình của các nước ASEAN4. Các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có phản biện, góp ý từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gây áp lực mạnh mẽ thì mới thực sự chuyển biến.
Bà Phạm Chi Lan (thứ 3 từ trái qua) tại hội thảo
Bà Phạm Chi Lan cho rằng cần phải thay đổi cách làm. Cụ thể là công bố các ĐKKD cần cắt bỏ và đưa ra yêu cầu về tiến độ thực hiện, đến thời điểm yêu cầu mà các bộ, ngành không làm được thì Thủ tướng ra quyết định bãi bỏ, không chờ các bộ nữa. "Đang nổi lên vấn đề kỷ cương chưa nghiêm, đến nỗi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhiều lãnh đạo cấp cao khác đều phải thốt lên rằng trên nóng dưới lạnh. Tại sao tất cả đều là người trong hệ thống, có kỷ cương mà có không thực hiện. Với tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như hiện nay, không bao giờ có thể rượt đuổi để chờ công chức nóng lên được trong khi họ đang lạnh tanh với sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước"- bà Lan nói và cho rằng cần tăng kỷ cương, kỷ luật công việc.
Đối với các trường hợp không thực hiện đúng tiến độ, phải thực hiện thì kỷ luật ngay, không lý do gì để người dân, doanh nghiệp tiếp tục phải nộp thuế nuôi những người, những công chức trong bộ máy cứ làm khó mình. Đây là công việc rất cần thiết bởi đã có những công bố của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy nếu giảm được thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nền kinh tế có thể tiết kiệm được nhiều tỉ USD mỗi năm.
Bà Lan chia sẻ sở dĩ năm 1999 chúng ta cắt ngay được 40% ĐKKD, cởi trói cho doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần kinh doanh rất mạnh mẽ là vì ngay khi Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp rà soát, đề xuất danh sách giấy phép con vô lý thì Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý ban hành quyết định cắt ngay chứ không giao các bộ làm. 40% giấy phép con được cắt bỏ chỉ bằng 1 quyết định của Thủ tướng.
Bình luận (0)