Hàng loạt vấn đề "nóng" về tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), HoSE và đại diện đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ giải đáp tại buổi tọa đàm "Nghẽn lệnh HoSE: Thực trạng và giải pháp" do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 24-6 qua hình thức trực tuyến.
Chậm trễ do thiếu quyết liệt
Ở điểm cầu TP HCM, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE, một lần nữa nhấn mạnh bản chất tình trạng quá tải của HoSE là nói đến thiết kế của hệ thống. Với HoSE, "số lượng lệnh" mà hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch chỉ 900.000 lệnh/ngày nhưng trên thực tế số lượng nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán thời gian qua đã vượt xa số lệnh mới gây ra tình trạng nghẽn. "Điều này giống như con đường của chúng ta thiết kế sử dụng 900.000 xe tham gia giao thông nhưng lượng xe vượt quá nên gây tắc nghẽn" - Tổng Giám đốc HoSE ví von.
Vị này cho biết thêm hệ thống vận hành của HoSE đo đếm theo số lượng lệnh chứ không phụ thuộc vào dòng tiền đổ vào thị trường của mỗi phiên giao dịch lớn hay nhỏ. "Anh đặt mua 100 cổ phiếu là một lệnh, 10.000 cổ phiếu cũng là một lệnh giao dịch, mỗi lệnh hủy/sửa cũng là một lệnh giao dịch và được tính vào con số 900.000 lệnh. Cùng một số lượng lệnh được khớp nhưng giá trị giao dịch hoàn toàn khác. Điều này lý giải tại sao các phiên giao dịch xảy ra nghẽn lệnh tại nhiều ngưỡng khác nhau về giá trị giao dịch" - ông Trà phân tích.
Dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ khắc phục được tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: MINH PHONG
Nói thêm về giải pháp hạn chế nhà đầu tư sửa/hủy lệnh khi giao dịch chứng khoán trong thời gian qua, ông Lê Hải Trà cho rằng đây cũng là một điểm mang tính kỹ thuật của hệ thống. Bởi mỗi lần nhà đầu tư sửa lệnh hoặc hủy lệnh hệ thống đều tính là một lệnh vào tổng số 900.000 lệnh nêu trên. Trên thực tế, có tới 1/3 trong số 900.000 lệnh/ngày là các lệnh sửa, lệnh hủy, chỉ có 600.000 lệnh là được khớp trên hệ thống. Do đó, việc kiểm soát sửa/hủy lệnh đã tạo thêm dư địa cho các lệnh được khớp trên hệ thống.
Giải đáp băn khoăn của các nhà đầu tư về có hay không sự trục lợi khi xảy ra tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE thời gian qua, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), đơn vị tham gia xử lý nghẽn lệnh của sàn HoSE, cho biết khi ứng dụng được đưa vào vận hành như HoSE được kiểm tra cẩn thận, liên quan đến bảo mật, hệ thống được thiết kế để phần cứng này hỏng thì chuyển sang phần khác chạy nên không có trục lợi khi giao dịch nghẽn.
Buổi tọa đàm cũng đã đặt vấn đề đối với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, về việc vì sao hơn 20 năm qua HoSE vẫn chưa làm chủ được công nghệ? Chủ tịch UBCKNN nhắc đến sự hạn chế về nhận thức đối với thị trường chứng khoán từ những ngày đầu là rào cản trong việc phát triển, làm chủ công nghệ dù dự án công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán đã được phê duyệt từ năm 2000.
Ông Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận có sự thiếu quyết liệt từ phía UBCKNN và HoSE đã làm chậm quá trình triển khai dự án hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thực hiện vào hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam. Dịch Covid-19 bùng phát cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình lắp đặt phần cứng, phần mềm và chạy kiểm thử hệ thống giao dịch. Người đứng đầu ngành chứng khoán đã bày tỏ đáng tiếc khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra lúc thị trường đang phát triển rất mạnh. "Gần 1/4 thế kỷ tham gia thị trường, cùng với các thế hệ gầy dựng, những người như chúng tôi chỉ mong thấy được thị trường như ngày hôm nay, phát triển cả về quy mô, thanh khoản và độ sâu" - ông Dũng bày tỏ.
Hệ thống mới xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày
Nói thêm về quá trình xử lý nghẽn lệnh của sàn HoSE, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết tình trạng nghẽn lệnh xảy ra từ ngày 21-12-2020. Từ thời điểm đó đến nay lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời quán triệt sự cố nghẽn lệnh là trường hợp khẩn cấp quốc gia cần phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý. "Một trong những mục tiêu lớn nhất là không để thị trường ngừng nghỉ dù chỉ một ngày. Đồng thời, cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp khẩn cấp và dài hạn để xử lý vấn đề" - ông Dũng nói.
Một trong những giải pháp trước mắt đã được triển khai là nâng cấp, xử lý hệ thống giao dịch của HoSE do FPT IS thực hiện. Đây là kế hoạch 100 ngày khắc phục sự cố nghẽn lệnh mà cả phía công ty cung cấp giải pháp công nghệ, HoSE và UBCKNN đều rất nỗ lực. Nói rõ hơn về hệ thống giao dịch này, ông Dương Dũng Triều cho biết hệ thống nâng cấp có khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày.
Một trong những điểm mới của đợt nâng cấp này là bỏ cơ chế phân bổ lệnh ở các công ty chứng khoán và làm chủ được hệ thống trong quá trình khắc phục, giám sát sự cố. Cùng với đó, công ty cũng đang kiểm thử ngưỡng đáp ứng lệnh gửi vào mỗi giây, bảo đảm cao hơn rất nhiều so với hệ thống hiện tại. Hiện, hơn 50 kỹ sư, chuyên gia công nghệ của FPT IS đang phối hợp với HoSE làm việc ngày đêm để sớm đưa hệ thống đi vào vận hành.
Ông Trần Văn Dũng lạc quan về kế hoạch chỉnh sửa hệ thống giao dịch HoSE sẽ về đích đúng thời hạn ban đầu ,dự kiến là cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Về phía các công ty chứng khoán, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán VNDirect, khẳng định đã tích cực tham gia phối hợp chủ động với FPT, HoSE để "test" hệ thống mới. Các công ty chứng khoán đã rất quen, hệ thống tương thích với các thiết kế kỹ thuật, việc chuẩn bị không quá phức tạp. "Với VNDirect, chúng tôi thử nghiệm lượng lệnh gửi thành công lên tới 1 triệu mỗi ngày. Nếu chiều nay (tức 24-6) được duyệt thì chúng tôi nghĩ sẽ triển khai được ngay" - ông Quỳnh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SHS, nhấn mạnh công ty đã sẵn sàng về nhân sự và công nghệ để kết nối với hệ thống mới. SHS cũng đã mua sắm phần cứng, đầu tư năng lực hệ thống của chính công ty chứng khoán để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường khi hệ thống nâng cấp do FPT IS thực hiện đi vào vận hành. Đại diện của SHS cũng đề nghị FPT và HoSE cập nhật tình huống khẩn cấp, rủi ro chưa có tiền lệ có thể xảy ra để có giải pháp xử lý.
Về giải pháp lâu dài, ông Trần Văn Dũng cho biết hệ thống KRX đang chạy thử nghiệm từ ngày 14-6. Sau quá trình thử nghiệm 6 tháng, về lý thuyết, cuối năm nay hệ thống KRX có thể đi vào hoạt động. "Việc KRX đi vào hoạt động là một sự kiện vui buồn lẫn lộn nhưng sẽ kết thúc được tình trạng nghẽn lệnh" - ông Dũng tin tưởng.
Chia sẻ thêm về việc tháo gỡ nghẽn lệnh trong 6 tháng qua, ông Dũng cho biết nhận được rất nhiều tin nhắn, email, các ý kiến đóng góp của rất nhiều người nhưng thực sự không có nhiều thời gian trả lời, không tranh luận được tại sao áp dụng giải pháp này mà không áp dụng giải pháp kia" - Chủ tịch UBCKNN giãi bày và gửi lời xin lỗi tới các chuyên gia, nhà khoa học, công ty chứng khoán đã đóng góp ý kiến.
Nợ nhà đầu tư nhiều lời xin lỗi
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt thời gian qua nhưng khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống chưa đáp ứng được dẫn tới nghẽn lệnh. Theo ông Hưng, nhà đầu tư là những người trả phí giao dịch nhưng lại không được nhận đầy đủ dịch vụ như đã cam kết, do đó "chúng ta (cơ quan quản lý và công ty chứng khoán - PV) đang nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi". Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng đồng tình: "Chúng ta không phải nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi mà nhiều lời xin lỗi". Ông mong nhà đầu tư thông cảm, thấu hiểu và đồng hành cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Bình luận (0)