Ngày 29-7, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP để phổ biến, tập huấn hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết để tạo thuận lợi cho công tác phòng chống dịch tại các chợ, vừa bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành "Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ". "Hướng dẫn bao gồm các nội dung yêu cầu đối với đơn vị quản lý chợ; hộ kinh doanh, người kinh doanh, người lao động, khách hàng mua bán tại chợ; UBND các cấp được phân cấp quản lý chợ, với các hướng dẫn rất chi tiết"- ông Tuấn cho hay.
Fwd: Lực lượng chức năng kiểm tra phiếu đi chợ hàng ngày của người dân Thủ đô. Ảnh: Ngô Nhung
Tại hội nghị trực tuyến, các địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn kinh phí test nhanh tại chợ cho các tiểu thương. Ông Trần Anh Dũng, Trưởng Phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hóa chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế), cho rằng nguồn kinh phí tùy theo từng địa phương áp dụng nhưng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 thì dùng nguồn kinh phí của nhà nước là phù hợp. Ngoài ra, quy định thời gian xét nghiệm 3 hay 7 ngày là tùy các địa phương và không nên cứng nhắc trong vấn đề này.
Liên quan đến việc cấp thẻ đi chợ mà nhiều địa phương hiện nay đang triển khai, trong đó có 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh tùy theo tình hình thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp, 1 thẻ có thể đi nhiều chợ. Bên cạnh đó, cần có vai trò của chính quyền địa phương trong việc cấp thẻ đi chợ nhằm tránh lạm quyền trong cấp thẻ, cũng như bảo đảm sát với nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.
Giải đáp thắc mắc của các địa phương về việc hàng hóa tại một chợ khi phát hiện ca mắc Covid-19 có được mang sang chợ ở khu vực khác để tiêu thụ hay không, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện chưa có tài liệu ghi nhận việc lây nhiễm Covid-19 qua hàng hóa. "Khi phát hiện ca F0 tại chợ thì hàng hóa không phải là đối tượng lây nhiễm bởi ca F0 đó nên việc vận chuyển sang nơi khác hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa sang khu vực chợ khác cần phải bảo đảm an toàn về phương tiện, cách thức, nhân lực vận chuyển" - đại diện Bộ Y tế lưu ý và nhấn mạnh không nên cực đoan phong tỏa chợ là phong tỏa luôn cả hàng hóa.
Ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý các địa phương thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành nhưng không được cứng nhắc mà cần có sự linh hoạt theo tình hình thực tế từng địa phương để công tác phòng chống dịch đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp hiện nay.
Bình luận (0)