Ngày 15-11, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các bộ - ngành liên quan về xuất xứ hàng hóa (C/O), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Dẫn đầu tổ công tác và chủ trì buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính.
"Những hành vi này còn ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng gian lận" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) về cơ bản không làm tăng các trường hợp gian lận xuất xứ. Nguyên nhân chính là những chênh lệch phát sinh do quyết định đánh thuế rất cao của một nước với hàng hóa nước khác, dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, lẩn tránh xuất xứ. Bên cạnh đó, gian lận xuất xứ thường xảy ra đối với những hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như Mỹ, EU. Những thị trường này không yêu cầu DN xuất trình C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Từ đó, ông Trần Quốc Khánh đã chỉ ra một số thủ đoạn gian lận C/O. Lợi dụng việc Việt Nam có quan hệ với các nước trong FTA, các DN nước ngoài đã làm giả hồ sơ C/O xuất khẩu sang những nước này. Bên cạnh đó, lợi dụng cơ chế quá cảnh, các DN cũng làm giả C/O để gian lận xuất xứ.
Là một trong 2 cơ quan thực hiện chức năng cấp C/O, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (thuộc VCCI), cho biết hiện 10 chi nhánh và văn phòng đại diện của VCCI ở các tỉnh, TP trong cả nước bảo đảm phục vụ cho gần 9.000 DN xuất khẩu. Trong 9 tháng năm 2019, tổng lượng cấp C/O của VCCI xấp xỉ 473.000 bộ, tăng 2,36% so cùng kỳ năm 2018. Để phòng chống gian lận C/O, VCCI đã phân loại và lập danh mục các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra chặt chẽ. VCCI đã kiểm tra 262 cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, qua đó từ chối cấp C/O cho 30 sản phẩm vì quy trình sản xuất không vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản.
Đại diện VCCI cũng cho hay sau khi Mỹ áp thuế lên nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, nhận thấy làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, VCCI đã tăng cường kiểm tra hồ sơ chứng từ, cơ sở sản xuất của DN cấp C/O để đánh giá năng lực, quy trình sản xuất có vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản và sản phẩm có đáp ứng quy tắc xuất xứ hay không.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý các cơ quan phải tỉnh táo trong việc cấp C/O. Ông Mai Tiến Dũng dẫn chứng một DN vừa ra đời năm trước, tổng vốn chỉ có 2 triệu USD nhưng năm sau đã sản xuất lô hàng trị giá cả tỉ USD thì phải xem xét thật kỹ. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan cấp C/O cần tăng cường trách nhiệm trong việc xem xét hồ sơ, nhìn nhận rõ trách nhiệm chứ không khẳng định mình hoàn toàn đúng trong việc cấp C/O. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bịt kín các sơ hở trong cấp C/O hiện nay.
Các thành viên trong Tổ công tác đề nghị những cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp C/O mời các hiệp hội ngành hàng tăng cường giám sát, bảo vệ các DN chân chính, phản ánh các hành vi gian lận. Đồng thời, có những đóng góp xác đáng vào thủ tục cấp C/O.
Phân biệt gian lận và lẩn tránh xuất xứ
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý các cơ quan chức năng và DN cần làm rõ và hiểu đúng khái niệm gian lận xuất xứ khác với lẩn tránh. Bởi nhiều trường hợp dù không có gian lận về xuất xứ, nước nhập khẩu vẫn có thể đánh thuế chống lẩn tránh nếu hàng hóa sử dụng đầu vào từ một nước mà họ đang áp thuế nhập khẩu cao.
Từ đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN cần thường xuyên theo dõi thông tin từ bộ, cập nhật mặt hàng nào đang có nguy cơ cao bị điều tra chống lẩn tránh để chủ động trong việc sử dụng nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!