* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của nạn tín dụng "đen", Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra những giải pháp gì để góp phần hạn chế, đẩy lùi?
- Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến vào tháng 12-2018 để triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đề ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn góp phần hạn chế tín dụng đen. Tháng 3-2019, NHNN tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng "đen" tại Gia Lai và đầu tháng 4-2019, lãnh đạo NHNN cũng đã có cuộc họp với đại diện các tổ chức chính trị - xã hội để cùng thảo luận và tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng đủ và kịp thời vốn phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cho người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng "đen".
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Về phía NHNN đã và đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng. Thứ hai, khuyến khích mở rộng mạng lưới của các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm cả ngân hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn, những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân. Thứ ba, chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển cũng như các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách... Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân biết về các chương trình, chính sách tín dụng và cách thức tiếp cận vốn vay.
* Các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) được coi là một công cụ giảm nghèo quan trọng tại Việt Nam. NHNN có chính sách gì để thúc đẩy phát triển loại hình này?
- Đúng là không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức TCVM. Thực tiễn cho thấy với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, TCVM được xem như một công cụ "đòn bẩy" hữu hiệu giúp người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa thoát khỏi khó khăn, sản xuất - kinh doanh.
Agribank triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn cấp bách của người dân. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG
Hiện nay, có khoảng 438 chương trình, dự án TCVM hoạt động tại 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, hoạt động của loại hình này vẫn còn khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao; đặc biệt là khuôn khổ pháp lý vẫn chưa toàn diện, thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng nói chung vẫn còn khiêm tốn.
Do đó, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các tổ chức TCVM phát triển bền vững theo quy định tại Luật TCTD và Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020.
Trong thời gian tới cần có cơ chế, chính sách khơi thông nguồn vốn cho TCVM; bố trí nguồn vốn ủy thác để các tổ chức TCVM thực hiện cho vay người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp hỗ trợ thiết thực đối với các tổ chức TCVM trong việc ứng dụng công nghệ số hoặc liên kết với các ngân hàng thương mại, công ty Fintech trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ để một mặt, đa dạng hóa các kênh phân phối cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ sáng tạo hơn, mặt khác, đưa sản phẩm đến với khách hàng tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi mà họ không thể hoặc khó tiếp cận các dịch vụ TCVM.
* Bên cạnh thúc đẩy phát triển TCVM, NHNN đã và sẽ có giải pháp ra sao để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, qua đó hạn chế, đẩy lùi tín dụng "đen"?
- Trước hết, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tài chính đến người dân, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh, trong đó đặc biệt là trình Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, cho vay của TCTD đối với khách hàng. Đặc biệt, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng nhằm bảo đảm hoạt động cho vay tiêu dùng của loại hình này phát triển bền vững, lành mạnh, giảm rủi ro, qua đó giảm lãi suất cho vay, bảo vệ quyền lợi khách hàng, tăng cường khả năng tiếp cận đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn cho mục đích tiêu dùng thực sự, góp phần giảm tín dụng đen.
Các TCTD cũng đang tích cực triển khai các sản phẩm tín dụng tiêu dùng phù hợp, trong đó tiêu biểu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỉ đồng (món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng không có tài sản bảo đảm, xét duyệt, giải ngân trong ngày) để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cấp bách của người dân.
Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đang nghiên cứu, trình Chính phủ triển khai gói sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu hợp lý, chính đáng của hộ mới thoát nghèo với lãi suất cho vay phù hợp; đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá lại các chương trình tín dụng để kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, bảo đảm tập trung vốn vào các khu vực, lĩnh vực còn thiếu vốn.
* Trong cuộc chiến với tín dụng "đen", có lẽ không thể chỉ riêng ngành ngân hàng, thưa Phó Thống đốc?
- Đúng là phải có nhiều cấp, nhiều ngành, cộng đồng xã hội cùng vào cuộc, để góp phần mạnh mẽ cùng với ngành ngân hàng ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng "đen". Ngành ngân hàng đã và đang nhập cuộc một cách tích cực. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng "đen" với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, ngăn chặn loại bỏ tín dụng "đen"; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi...
NHNN kỳ vọng rằng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng "đen".
Bình luận (0)