Việc ban hành kịp thời quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp (DN) đưa hàng ra thị trường tiêu thụ, đến khi có kết quả kiểm tra không đạt tiêu chuẩn, chất lượng buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy thì hàng hóa đã được tiêu thụ hết và hậu quả người tiêu dùng phải gánh chịu.
Thực tế, thời gian qua do lỏng lẻo trong công tác quản lý, chưa nghiêm trong khâu kiểm tra chất lượng hàng thực phẩm trước khi thông quan nên đã xảy ra tình trạng DN tận dụng kẽ hở để tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường. Điển hình là vụ hàng trăm tấn thịt gà “bốc hơi” khỏi kho lạnh khi chưa được cơ quan chức năng kiểm tra. Trước đó là vụ sữa, bánh kẹo nhiễm melamin hồi năm ngoái, có DN nhập hàng chục tấn bánh kẹo được cho thông quan đưa về bảo quản tại kho riêng, đến khi có kết quả kiểm tra “nhiễm melamin, buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy” của cơ quan chức năng thì DN trước đó đã tự ý đưa ra thị trường tiêu thụ hết...
Lần này, các cơ quan Nhà nước kiên quyết hơn đối với những loại thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng. Theo quy định trước đây khi hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm khuẩn thì DN được phép xử lý bằng phương pháp chiếu xạ rồi tiếp tục được tiêu thụ. Nay sẽ không còn được “du di” kiểu này nữa, mà đã nhiễm khuẩn là buộc phải tiêu hủy. Biện pháp cứng rắn này đã làm “lộ mặt” nhiều DN đã “lỡ” nhập hàng có vấn đề nên đang tìm cách “bỏ của chạy lấy người”. Theo thống kê của hải quan các cảng trên địa bàn TPHCM, hiện còn tồn đọng gần 200 container với khoảng trên 5.000 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu hơn 1 tháng nay nhưng các DN không đến làm thủ tục nhận hàng. Cá biệt ở cảng Sài Gòn khu vực 2 và khu vực 4... có những lô hàng nhập về hơn 1 năm nay nhưng chủ hàng vẫn “bặt tăm”...
Một cán bộ lãnh đạo hải quan TPHCM bức xúc: Do quy định chặt chẽ hơn, biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng cũng kiên quyết hơn đối với hàng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, nhiễm khuẩn nên nhiều DN không dám làm thủ tục nhận hàng vì biết rằng hàng của mình có vấn đề nên sẽ bị xử lý và lúc đó chi phí tiêu hủy sẽ rất tốn kém. Do vậy, họ bỏ mặc hàng ở cảng xem như hàng... vô chủ (?), đẩy gánh nặng giải quyết hậu quả đó về phía cơ quan Nhà nước...
Tuy nhiên, dư luận cho rằng không khó truy tìm ra chủ những lô hàng đích thực hiện đang bị bỏ mặc tại các cảng và buộc các DN này phải có trách nhiệm xử lý hậu quả. Thậm chí phải có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa như phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố tình kinh doanh những mặt hàng không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...
Bình luận (0)