Các hãng hàng không "ngập trong nợ nần"
Tại buổi Tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức vào chiều 24-2 ở Hà Nội, trước những con số tăng trưởng của hàng không thời gian qua và dự báo hồi phục trong năm 2023 này, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines, nhấn mạnh những con số tăng trưởng của năm 2022 so với năm 2021 không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Muốn thấy được bức tranh thực tế cần phải so sánh với năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines, phát biểu.
Với riêng Vietnam Airlines, tổng vận tải hàng không nội địa năm 2022 tăng 13% so với 2019, nhưng tổng sản lượng bay quốc tế 2022 chỉ bằng 20% so với 2019. Trong khi đó, bay quốc tế đóng góp 40% về sản lượng khách nhưng góp tới 60% doanh thu của các hãng hàng không.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc VietJet Air, bày tỏ lo lắng khi chỉ ra ngành hàng không Việt Nam đang suy yếu về thanh khoản. Trong khi chi phí tăng cao (giá xăng dầu, giá nhân công…), các hãng hàng không quốc tế tăng giá trên 50%, thì thị trường nội địa tuy tăng trưởng mạnh nhưng không vượt ra được ngoài khung giá và cũng vướng chưa phụ thu xăng dầu.
Bà nhấn mạnh nguy cơ hàng không Việt Nam mất cạnh tranh quốc tế trong năm nay nếu không có thay đổi căn bản để tăng sức cạnh tranh.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc VietJet Air, phát biểu
"Việt Nam bị chậm so với quốc tế, các hãng hàng không quốc tế bắt đầu có lãi, còn hãng hàng không Việt Nam vẫn chìm đắm trong vấn đề thanh khoản rất yếu và loay hoay với rất nhiều chi phí phát sinh. Các hãng hàng không không hãng nào có thể tuyên bố là mình có lãi"- bà Phương nói.
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc VietJet Air cũng nhấn mạnh cơ hội hồi phục hàng không, cả nội địa và quốc tế, là rất lớn. Dịp Tết vừa qua 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng được đánh giá là nhộn nhịp bậc nhất khu vực.
"Điều đó cho thấy thị trường hàng không đang trong tiến trình hồi phục. Nếu cơ chế được khơi thông sẽ thúc đẩy hàng không phát triển trong năm 2023, vượt qua 2 năm nặng nề vừa qua để có thể phục hồi từ nguyên tắc cơ chế thị trường. Ngành hàng không cần những hỗ trợ thêm của Chính phủ để doanh nghiệp hàng không Việt Nam không mất cạnh tranh trong vùng trời Việt Nam, đánh dấu sự hồi phục trong năm 2023. Đặc biệt là khi tăng trưởng ngành hàng không thúc đẩy rất nhiều ngành khác tăng trưởng, như có phân tích đã cho thấy tăng trưởng 1% của hàng không thúc đẩy tăng trưởng 2% GDP"- bà Phương nói.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết theo thông tin ông có được, các hãng hàng không Việt Nam đều đang lỗ nặng. Đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines lũy kế lỗ hơn 34 ngàn tỉ đồng, VietJet Air trong năm 2022 lỗ 2.200 tỉ đồng, Bamboo Airways lỗ lũy kế 6.500 tỉ đồng.
Hãng hàng không đối mặt nhiều khó khăn như giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng cao; lạm phát toàn cầu tăng mạnh khiến hầu hết các hãng hàng không đều bị thua lỗ và thực hiện cắt giảm các khoản chi phí, đàm phán giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết; cắt giảm lao động, tổ chức lại bộ máy, tái cơ cấu... Một số doanh nghiệp đã cải thiện được dòng tiền nhưng gặp nhiều rủi ro phát sinh nợ xấu do chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
"Chúng tôi đánh giá sơ bộ khả năng phục hồi của hàng không Việt đến cuối 2023 vẫn còn mong manh và chỉ đạt khoảng 85%. Đến giữa và cuối năm 2024 mới có thể phục hồi 100%. Khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp là rất khó"- ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
TS Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, phát biểu.
TS Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, thẳng thắn: "Tình hình sức khỏe tài chính các hãng hàng không Việt Nam không có chút nào màu hồng, nói thẳng ra là ngập ngụa trong nợ và rất nhiều rủi ro trong thời gian tới".
"Nếu 1-2 năm trước các hãng bay có thể lỗ, nợ nhiều nhưng không sợ vì lúc đó các hãng cho thuê máy bay không lấy về làm gì vì không cho ai thuê. Tuy nhiên, giờ đã khác, thị trường cho thuê máy bay trên thế giới rất nóng, châu Âu và Mỹ còn có tình trạng thiếu máy bay. Trong bối cảnh hiện nay, nếu hãng hàng không không thanh toán được nợ sẽ bị thẳng thừng thu hồi máy bay để cho người khác thuê, thậm chí bị kiện ra tòa để tìm cách thu hồi tài sản của các hãng hàng không… Cần cấp bách bàn giải pháp để các hãng hàng không Việt Nam có thể nhanh chóng bình ổn và cải thiện tình hình tài chính, tạo điều kiện phát triển sau đại dịch"- TS Nam nói.
Kiến nghị nhiều giải pháp
TS Cấn Văn Lực chỉ rõ 5 nguyên nhân lớn nhất gây nên khó khăn tài chính đối với các hãng hàng không bao gồm: Dịch bệnh; suy thoái kinh tế; quá tải các cảng hàng không; cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt; và giá nguyên nhiên liệu và chi phí đầu vào, tỉ giá, lãi suất tăng cao trong khi cơ chế điều hành chưa theo kịp thị trường.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, phát biểu
Còn theo Phó Tổng giám Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành, các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. "Chính sách giá vé quốc tế tự do, nhưng nội địa lại bị kiểm soát, nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa. Ngành hàng không lấy quốc tế nuôi nội địa, đó là sự bất hợp lý"- ông nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh còn nhiều rủi ro bất định, các hãng hàng không rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước.
Đánh giá việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không… như năm 2022 là cần thiết, theo ông Lực, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, đảm bảo hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu…
"Ngoài ra, do thị trường hàng không Việt ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nên việc dùng các biện pháp hành chính như áp giá trần, giá sàn hay đưa quy định về giá, phí vào Luật giá sửa đổi cần phải hết sức cân nhắc, hạn chế can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực này. Và đáp lại, các doanh nghiệp hàng không cần trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn nữa"- ông Lực khuyến nghị.
Đồng thời, ông nhấn mạnh cần tiếp tục kiểm soát tốt giá xăng dầu, thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn, trong đó vấn đề visa là then chốt.
Kiến nghị về giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân nêu ra 3 nhóm giải pháp: Nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn; và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân phát biểu.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch VABA, cho rằng Nhà nước cần tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng bay có điều kiện thuận lợi trong việc thâm nhập và khai thác thị trường này.
"Việt Nam đứng trước cơ hội phục hồi rất lớn, nên nếu tạo cơ chế thị trường thì các hãng hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường du lịch Trung Quốc vẫn còn đóng cửa , 30% thị phần quốc tế là khách hàng đến từ Trung Quốc , khoảng 5 triệu khách hàng/1 năm. Các cơ quan ban ngành cần phải xem xét và tháo bỏ rào cản về visa và hộ chiếu thì mới thu hút khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh hàng không và du lịch"- Phó Tổng giám đốc VietJet Air Hồ Ngọc Yến Phương nhấn mạnh.
Nhiều đại diện tại buổi tọa đàm cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hãng hàng không nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền; gia tăng mức miễn giảm cho các chính sách hiện hữu như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng hiện tại về mức 0 đồng, các chính sách miễn giảm giá dịch vụ đã từng được áp dụng như giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh, điều hành bay; xem xét ban hành thêm các chính sách, miễn, giảm thêm các loại thuế, phí… với thời gian áp dụng đến hết 2025 để các chính sách trên thực sự mang lại sự hỗ trợ hiệu quả cho các hãng hàng không.
Bình luận (0)