Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được đặt ra từ năm 2008. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng 2 năm nay chưa có đề án nào được trình. Nói mạnh, đâu đâu cũng nói mà đề án vẫn chưa có… TS Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế và Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), đã nhận xét như thế tại hội thảo “Cơ cấu lại nền kinh tế” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Báo Nhân Dân tổ chức ngày 16-12 ở Hà Nội.
Hành động chứ không nói
Đó là lý do mà TS Ân đề nghị các bộ, ngành cần nhanh chóng lập đề án tái cơ cấu, quy định rõ trách nhiệm cho các cá nhân, tổ chức thực hiện, chứ không nói chung chung như trước.
Liên quan đến lĩnh vực của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết ngay trong chiều 16-12, bộ đã báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo đó, trong 10 năm tới, Việt Nam có khoảng 3 tập đoàn đa sở hữu có tầm cỡ khu vực và 10 đến 15 tập đoàn đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết hiện vẫn có 102 DNNN vốn dưới 5 tỉ đồng và so sánh: “Quá trình đổi mới DNNN trước đây đã làm quá chậm, giống như nhìn thấy có con thỏ, mất cả tháng lập kế hoạch bắt nhưng ra đến nơi thỏ chạy mất rồi. Tái cơ cấu lần này không phải nhận thức tư duy nữa mà phải là thống nhất tư duy để hành động”.
Ngại lợi ích nhóm
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá tái cơ cấu ngân hàng sẽ tạo động lực dẫn dắt tái cấu trúc cả nền kinh tế vì đây là kênh truyền dẫn vốn.
Theo thống đốc, kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng sẽ thực hiện từng bước, với “phần cứng” là sắp xếp, hợp nhất các ngân hàng yếu kém và “phần mềm” là đổi mới cơ chế quản trị để phát triển lành mạnh. Đến năm 2012 sẽ xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém; năm 2013, sáp nhập tự nguyện để tăng quy mô; từ năm 2014 đến 2015, xây dựng được ít nhất 1-2 ngân hàng có tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, tổng tài sản khoảng 50.000 tỉ đồng, gấp đôi quy mô của ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Trong quá trình tái cơ cấu, sẽ có cơ chế để ngân hàng mạnh “cõng” ngân hàng yếu. “Tái cơ cấu ngân hàng không đem ra bàn rộng rãi trong dư luận được nhưng chúng tôi đang làm và sẽ làm quyết liệt, có hiệu quả ngay từ năm 2012” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Vấn đề mà người đứng đầu ngành ngân hàng quan tâm là hoạt động tái cấu trúc ngân hàng sẽ rất phức tạp, khó khăn, đụng đến lợi ích nhóm. Ông Bình phân tích: “Hiện nay, khối ngân hàng quốc doanh chỉ còn chiếm 48% thị phần, 52% thị phần còn lại là của khu vực tư nhân nên cái không phải của mình mà đòi hỏi họ tái cấu trúc là rất phức tạp”.
Giải quyết nhiều vấn đề phát sinh Trong phần thảo luận, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Án băn khoăn về một số điểm trong định hướng tái cơ cấu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Viện dẫn số liệu báo cáo dư nợ của DNNN hiện chiếm 16% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, ông Án cho rằng sẽ rất khó xử lý trước tình hình tham gia rất sâu của các tập đoàn kinh tế vào định chế ngân hàng. Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá thực hiện tái cơ cấu đồng bộ giữa 3 lĩnh vực đầu tư, DNNN và ngân hàng là vấn đề khó, sẽ phải giải quyết nhiều việc phát sinh khi “người được, người mất” từ tái cơ cấu. |
Bình luận (0)