Ngày 24-3, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) đã tọa đàm trực tuyến về vấn đề quản lý kinh doanh xăng dầu. Cuộc tọa đàm này đã thu hút được sự chú ý của dư luận.
Điều hành mâu thuẫn?
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định việc Bộ Tài chính ngày 23-3 có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trước mắt không tăng giá bán lẻ, trong khi Nghị định 84 đã cho phép họ được tự quyết định giá bán trong phạm vi biến động nhất định là không có gì mâu thuẫn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Nghị định 84 nêu rõ giá xăng dầu được quyết định theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Sự quản lý của Nhà nước thể hiện ở quy định nguyên tắc, thời điểm, mức độ phương pháp thay đổi giá... và văn bản của Bộ Tài chính vận dụng nguyên tắc này.
Tổng Giám đốc Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo, khẳng định từ khi Nghị định 84 có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh 3 lần đối với mặt hàng xăng, trong đó 2 lần tăng, 1 lần giảm. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói thêm rằng dư luận hay nhầm lẫn hai khái niệm xăng với dầu, tuy có cùng nguồn gốc nhưng đây là hai sản phẩm khác nhau và cho rằng tăng giá cao hơn giá thế giới là không đúng. Nguyên nhân vì hiểu sai về phương pháp tính, lấy giá một thời điểm cụ thể, trong khi cách tính chuẩn phải là giá bình quân trong 30 ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, TS Ngô Trí Long, nguyên viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, cho biết ông đã theo dõi giá bán xăng tại Mỹ trong cả một thời kỳ 30 ngày vừa qua và nhận thấy giá xăng ở VN đều cao hơn ở Mỹ. “Ngày 21-3, khi doanh nghiệp nói lỗ và phải tăng giá, tôi lên mạng và thấy giá bán của VN vẫn cao hơn. Giá bán trung bình tại Mỹ trong giai đoạn này chỉ là 2,8 USD/gallon và không lúc nào quá 3 USD”- ông Long khẳng định. Sở dĩ ông Long lấy giá của thị trường Mỹ để so sánh là vì đây là một thị trường có tính cạnh tranh rất mạnh, luôn bám sát giá thế giới, VN đang theo cơ chế thị trường thì cần so sánh với một thị trường chuẩn. Khi đã cho doanh nghiệp định giá, Bộ Tài chính lại yêu cầu dãn cách thời gian giữa các lần tăng giá và trước mắt không tăng giá là mâu thuẫn, nếu doanh nghiệp lỗ, ai chịu trách nhiệm? Mâu thuẫn này bắt nguồn từ mâu thuẫn rất căn bản là trong điều kiện kinh doanh vẫn còn doanh nghiệp giữ địa vị chiếm lĩnh thị trường như Petrolimex. Không nên để Petrolimex tự định giá.
Chưa đề cập giá thực
Một vấn đề rất được các chuyên gia kinh tế chú ý là tính xác thực của các yếu tố tính giá xăng dầu do doanh nghiệp công bố công khai chưa được đề cập trong buổi trực tuyến.
Theo TS Ngô Trí Long, việc công khai tính giá của Petrolimex chỉ là làm cho có, không có tác dụng. Điều quan trọng là số liệu do doanh nghiệp công khai đã được kiểm chứng bởi các cơ quan chức năng hay chưa. Lấy ví dụ dễ hiểu, bình thường người ta mua một cái cốc giá 5.000 đồng nhưng có người lại mua với giá 7.000 đồng vì thị trường mỗi nơi mỗi giá và công khai giá đầu vào là 7.000 đồng. Vì mua đắt hơn mà bắt người tiêu dùng phải chịu là không hợp lý, cơ quan chức năng phải kiểm tra giá đầu vào đó có chấp nhận được hay không. Hơn nữa, Petrolimex là doanh nghiệp lớn, có lợi thế tương đối, đáng lẽ chi phí phải giảm đi. Nhưng trên thực tế, vừa qua có thời điểm doanh nghiệp nhỏ có giá bán lẻ thấp hơn giá của Petrolimex 40 đồng/lít rất đáng đặt câu hỏi. Petrolimex là doanh nghiệp lớn, có trang thiết bị hiện đại hơn, quan hệ bạn hàng tốt hơn nhưng để chi phí cao hơn là không hợp lý.
Một điểm đáng lưu ý khác là Bộ Công Thương và Petrolimex chưa có câu trả lời cụ thể về định mức hao hụt. Kết quả kiểm toán tại Petrolimex năm 2008 đã chỉ rõ việc hiện nay vẫn áp dụng định mức hao hụt của năm 1986 là không hợp lý.
Bình luận (0)