Chiều 10-11, tại TP HCM, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2022-2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023-2024. Chủ tịch Vicofa Nguyễn Nam Hải đánh giá niên vụ 2022-2023 (tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), khó khăn nhiều hơn thuận lợi, dù vậy với sự năng động, nỗ lực của nông dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN), kết quả xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 4,08 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành cà phê.
Nhiều việc phải làm
Tuy vậy, theo Chủ tịch Vicofa, vẫn còn nhiều chỉ tiêu đòi hỏi ngành cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa. Đó là, tỉ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu vẫn còn cao, các sản phẩm chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan…) tuy có tăng nhưng chỉ mới chiếm gần 13%; tiêu thụ nội địa vẫn ở mức thấp, khoảng 2,2 kg/người/năm, chưa xứng tầm nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới.
Người tiêu dùng thử cà phê tại sự kiện Tôn vinh Cà phê Việt do Báo Người Lao Động tổ chức hồi tháng 3-2023
Đặc biệt, để phát triển cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cần phải có chương trình hành động cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các DN.
"Trước tiên, ngành cà phê phải có kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh Châu Âu (EU) vừa ban hành. Trong đó, EUDR quy định cà phê, ca cao không được nhập khẩu vào EU nếu được trồng trên diện tích đất phá rừng (lấy mốc từ ngày 31-12-2020 đến nay)" - ông Nguyễn Nam Hải nêu.
Các đại biểu đều thống nhất cà phê Việt Nam ít có nguy cơ trồng trên diện tích phá rừng nhưng việc đáp ứng giấy tờ, thủ tục để chứng minh theo quy định của EU không hề đơn giản. Thậm chí, một số đơn vị còn lo ngại những phần diện tích cà phê trồng trên đất chưa được cấp sổ đỏ sẽ không chứng minh được tính hợp pháp khi nhập khẩu vào EU nên cần phải tìm ra hướng giải quyết.
Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, tin rằng khi Việt Nam đáp ứng được các quy định của EU thì giá chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.
Nhìn lại vụ cà phê vừa qua, ông Đỗ Hà Nam cho rằng tuy giá cao lịch sử ở mức 70.000 đồng/kg nhưng nông dân đã bán hết ở giá 60.000 đồng/kg. Thị trường lần đầu xuất hiện tình trạng thiếu hàng và DN phải mua hàng giá cao để trả đơn hàng đã ký trước với giá thấp. Đây là bài học cho vụ năm sau.
Dự báo cho vụ mùa năm sau, ông Đỗ Hà Nam cho rằng sản lượng tiếp tục giảm do phải cạnh tranh với cây sầu riêng. "Nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt từ EU giai đoạn hiện nay đến tháng 4 năm sau. Ngoài ra, Trung Quốc là một ẩn số khi giới trẻ nước này ngày càng thích cà phê hơn trà. Trừ áp lực thời điểm thu hoạch rộ, giá cà phê vẫn ở mức cao" - ông Đỗ Hà Nam dự báo.
Nâng cao giá trị
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La, cho biết để nâng giá trị cà phê cần phải tái canh bằng giống mới chất lượng tốt hơn, thay đổi công nghệ chế biến nhưng mọi thứ đều gặp trở ngại về vốn. Tại Sơn La, do diện tích ít, chỉ 20.000 ha nên nông dân phải tập trung vào cà phê đặc sản. Tuy không phải là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất nhưng cà phê có ưu điểm ổn định nên nông dân vẫn giữ vững diện tích. "Trước đây, 80% cơ sở chế biến cà phê Sơn La là nhỏ lẻ nên chưa nâng được giá trị sản phẩm. Gần đây, tỉnh có chính sách thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lớn, công nghệ cao để nâng tầm cà phê Sơn La" - ông Hải nói.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết Indonesia luôn bán cà phê nguyên liệu với giá cao nhất thế giới bởi họ có trụ đỡ là ngành chế biến cà phê chiếm đến 50% sản lượng sản xuất. Việt Nam khó hơn khi có sản lượng cà phê nhiều hơn Indonesia 3-4 lần nhưng tiêu thụ nội địa chỉ bằng một nửa. "Đầu tư vào chế biến cần vốn lớn, công nghệ, thương hiệu... Tín hiệu tích cực là từ khi có Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), không chỉ DN Việt Nam và DN nước ngoài cũng đầu tư vào chế biến cà phê rất nhiều và đang nâng dần tỉ lệ cà phê chế biến xuất khẩu" - ông Nam dẫn chứng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết sau xuất khẩu cà phê nguyên liệu, DN đã xuất cà phê thương hiệu riêng (K Coffee) chứ không nhận gia công.
Để thương hiệu đi sâu vào kênh phân phối nước ngoài, Phúc Sinh đã ký kết với đối tác để đưa cà phê K Coffee vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Mỹ từ 2022. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Walmart, Faire. Sắp tới, K Coffee còn được đối tác này xuất khẩu sang EU, Úc, New Zealand và Nhật Bản từ tháng 12.
Thị trường nội địa đòi hỏi cao
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình cho rằng cần xem lại số liệu về tiêu thụ nội địa cà phê Việt theo Vicofa đưa ra là quá ít. "Con số 2,2 kg/người/năm tương đương 220.000 tấn cà phê/năm, theo tôi, chưa phản ánh đúng thị trường, thực tế có thể hơn 300.000 tấn/năm. Thị trường nội địa những năm gần đây đang góp phần nâng giá trị ngành cà phê Việt" - ông Bình nói.
Theo chuyên gia này, nhiều nhà rang xay trong nước yêu cầu nguyên liệu có chất lượng cao hơn so với hàng xuất khẩu nên giá mua cũng cao hơn. "Ngoài đầu tư chế biến, đầu tư cà phê đặc sản, mang đi đấu xảo, giá bán cao cũng là cách hay để nâng giá trị cà phê Việt" - ông Bình đề xuất.
Bình luận (0)