Ông nói: Cần phải làm sao để người dân hiểu và tự nguyện trong việc mua bảo hiểm, chứ không được ép buộc. Mua bảo hiểm nhân thọ là nhằm khắc phục những rủi ro về tai nạn, bệnh tật, tuổi già... Vì thế trách nhiệm của công ty bảo hiểm là phải giải thích cho mọi người hiểu, đồng thời soạn thảo các quy định, thủ tục hành chính sao cho thật đơn giản, nếu có những gì chưa tốt thì phải sửa lại. Đây là quan hệ đôi bên và phải làm rõ để ngày càng tốt hơn.
Phải chỉnh sửa để thông lệ quốc tế phù hợp
* Phóng viên: Thưa bộ trưởng, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài nói những quy định của họ trong hợp đồng là theo thông lệ quốc tế, nhưng có những thông lệ không phù hợp với điều kiện hiện nay của VN...
- Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng: Thông lệ quốc tế nhưng khi vào VN thì phải có chỉnh sửa cho phù hợp. Nguyên tắc chung, nguyên tắc tính biểu phí, nguyên tắc đền bù thì theo thông lệ quốc tế cho phù hợp. Tuy nhiên, từ ngữ văn chương, thủ tục hành chính thì phải ngắn gọn, dễ hiểu.
* Có những mẫu hợp đồng bảo hiểm khách hàng cho rằng khi có sự cố phát sinh, không thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?
- Nếu đã thấy như vậy thì đừng mua bảo hiểm.
* Như vậy thì có vẻ quá đơn giản, thưa bộ trưởng?
- Tất nhiên là phải có hai mặt: Công ty bảo hiểm phải làm rõ để có nhiều người mua. Người mua bảo hiểm có quyền được rõ các thông tin đó.
* Hiện nay, các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm thường được gắn với rất nhiều tình huống giả định khiến ít người có thể hiểu một cách thấu đáo. Nhiều ý kiến cho là hoàn toàn có thể thay những tình huống rối rắm đó bằng một hai câu rất đơn giản...
- Theo tôi, trong chuyện bệnh viện hay trung tâm khám chữa bệnh chỉ cần ghi “cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp” là đủ.
* Vậy làm sao dung hòa được những chuyện này?
- Đây là dạng hợp đồng kinh tế, hai bên đã cam kết với nhau rồi. Vì thế, khi có vấn đề chữ nghĩa không thống nhất thì phải sửa để có cách hiểu chung.
Kinh doanh bảo hiểm mà nói một đằng, làm một nẻo là không tốt
* Các hãng bảo hiểm thường “nắm đằng chuôi”, bởi vì dù người mua bảo hiểm không hiểu nhưng lại trót ký vào bản cam kết “đã đọc và hiểu hết” các điều khoản rồi...
- Khi không hiểu mà vẫn cam kết là hiểu và ký vào thì nguy hiểm. Nếu kiện ra tòa là thua, bởi vì “bút sa gà chết” mà. Cho nên phải hết sức thận trọng khi mua bảo hiểm.
* Vậy làm thế nào để khách hàng được bảo đảm quyền lợi, doanh nghiệp thì phát triển và Nhà nước cũng quản lý được?
- Anh bảo hiểm thì bao giờ cũng muốn có nhiều người mua bảo hiểm. Nhưng nếu chỉ vì quyền lợi của chính anh khiến khách hàng không hiểu dẫn đến thua thiệt thì chỉ cần một người thua kiện, sẽ có 10 người “không chơi” với anh nữa. Tôi nghĩ là các nhà kinh doanh không dại như vậy đâu. Các nhà kinh doanh bảo hiểm luôn nói “vì lợi ích của khách hàng” mà lại để họ thua kiện, nói một đằng, làm một nẻo thì không tốt, không phát triển được.
* Vậy vai trò quản lý Nhà nước trong việc này được thể hiện như thế nào?
- Quản lý Nhà nước chỉ yêu cầu các nhà kinh doanh làm theo đúng luật. Đó cũng chính là chiến lược làm ăn của từng công ty, công ty nào được người dân tín nhiệm, tin tưởng thì sẽ có nhiều người mua. Ở đây cũng có vai trò của Hiệp hội Bảo hiểm bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh, nhưng đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người thụ hưởng bảo hiểm là các khách hàng.
Sẽ rút giấy phép nếu vi phạm luật bảo hiểm
* Để có được nhiều hợp đồng bảo hiểm, các hãng thường khuyến mãi rất lớn. Nhiều khi được hưởng hoa hồng tới 40% giá trị hợp đồng đã ký...
- Nếu như vậy là vi phạm Luật Bảo hiểm. Luật đã giới hạn mức hoa hồng rồi. Vì nếu anh hạ giá, nâng mức hoa hồng lên quá cao thì có nguy cơ đổ vỡ. Mà đổ vỡ bảo hiểm thì ảnh hưởng đến quyền lợi rất nhiều người. Chính vì thế, Luật Bảo hiểm và quy định của Bộ Tài chính không cho phép tùy ý nâng mức hoa hồng. Đó là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, phá giá. Dùng hoa hồng, mức phí để phá giá thị trường bảo hiểm là không được.
* Nhưng việc này đã xảy ra trên thực tế rồi, thưa bộ trưởng.
- Xảy ra thì phải xử phạt. Nếu trầm trọng thì sẽ rút giấy phép. Cơ quan quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp bảo hiểm ba chuyện. Một là nói xấu nhau, hai là hạ giá quá mức và ba là lôi kéo nhân viên của nhau. Thực tế chưa có đơn vị nào phải xử đến mức rút giấy phép, nhưng xử phạt, cảnh cáo thì có rồi.
* Các hãng bảo hiểm thường tổ chức các hoạt động khuyến mãi, xã hội, từ thiện khổng lồ. Điều này là tốt cho xã hội nhưng các khách hàng thì lại lo ngại về sự an toàn của hợp đồng bảo hiểm với hãng?
- Luật pháp không cản trở việc làm từ thiện, nhưng nếu anh làm đến mức chịu lỗ nhiều năm để doanh nghiệp khác chết đi rồi anh lại nâng giá lên thì đấy là vi phạm.
* Vậy Bộ Tài chính có bảo đảm kiểm soát được các hoạt động đó?
- Bộ Tài chính đã được Chính phủ cho phép lập một vụ quản lý riêng về bảo hiểm rồi. Có thuận lợi là khách hàng ít khiếu kiện lên cơ quan quản lý Nhà nước nhưng các công ty thấy cạnh tranh không lành mạnh là họ kiện ngay. Đó như là một cộng tác viên để cơ quan quản lý nắm được và giải quyết. Ví dụ có chuyện hạ giá quá mức, lôi kéo nhân viên..., họ kiện, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử. Mỗi lần xử như vậy đều thông báo cho cả thị trường biết.
Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cứ làm như hiện nay thì thua!
* Thưa bộ trưởng, dường như các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước bị thắt chặt hơn về tỉ lệ chi cho quảng cáo, khuyến mãi?
- Không phải. Cơ quan thuế sẽ kiểm soát việc này. Bảo hiểm là loại hình kinh doanh phải chịu thuế thu nhập. Nếu đưa nhiều chi phí vào thì mất thuế của Nhà nước. Trừ khi anh mang từ công ty mẹ vào để khuyến mãi, quảng cáo ở một mức độ nào đó.
Cũng phải nói rằng lực lượng kinh doanh từ bên ngoài vào tổ chức quản lý tốt hơn, tiếp thị tốt hơn, sản phẩm của họ hay hơn khiến các công ty kinh doanh trong nước bị “ngợp”. Chính vì vậy, Nhà nước mới bảo hộ bằng cách chậm cho các công ty nước ngoài vào. Nhưng cũng đến thời kỳ rồi, chúng ta ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ rồi, sắp ký WTO rồi nên không thể bảo hộ mãi được. Vì thế đây là thời kỳ nhắc nhở các công ty kinh doanh trong nước phải cố gắng lên, thực hiện ISO, từ đó nâng cao chất lượng quản lý. Nếu anh cứ làm như hiện nay là thua.
* Trước thực tế mới đã nảy sinh, Bộ Tài chính sẽ giải quyết như thế nào?
- Hiện nay, nói chung là thị trường bảo hiểm đang phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng 30%-40% năm. Mà nếu bảo hiểm phát triển mạnh thì những rủi ro sẽ được bảo hiểm giải quyết, làm giảm nhẹ gánh nặng ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, tiền bảo hiểm đó đem đầu tư, góp phần tăng trưởng xã hội và tăng trưởng tiết kiệm. Bảo hiểm thực chất là tiết kiệm. Khi tăng được tiết kiệm từ mỗi doanh nghiệp, người dân thì sẽ có nguồn tài chính dồi dào để góp vào việc đầu tư. Bây giờ thị trường bảo hiểm của ta chưa bằng 2% GDP, mà thông lệ các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN cũng đã đạt mức 4%-5% rồi. Chúng ta phải phấn đấu ít nhất đạt mức đó. Nếu đạt mức 6%-7% GDP thì thị trường này sẽ lớn mạnh.
* Muốn đạt mức tăng trưởng đó thì cần điều kiện gì, thưa bộ trưởng?
- Phải từ ba phía. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, tạo thị trường và quản lý cho tốt. Phía nhà kinh doanh phải có chiến lược làm ăn và phát triển cho tốt. Còn phía người dân thì phải nghiên cứu, hiểu lợi ích của bảo hiểm, tiết kiệm một chút để đề phòng rủi ro về lâu dài.
* Tóm lại là các hãng bảo hiểm cần đơn giản hóa các quy định cho phù hợp?
- Nói ngắn gọn là phải minh bạch, dễ hiểu và phù hợp với trình độ người dân. Không thể nói thông lệ quốc tế một cách máy móc.
* Nhưng người dân của ta vẫn không tin lắm vào bảo hiểm trong nước?
- Đâu có. Thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ thì bảo hiểm trong nước là chính. Bảo hiểm nước ngoài mới chỉ chiếm được 20%-30% thôi.
Bình luận (0)