Phóng viên: Thú y Vùng VI là cơ quan kiểm soát phần lớn thịt nhập khẩu về Việt Nam, vậy số liệu nhập khẩu thịt đông lạnh từ đầu năm đến nay ra sao thưa ông?
- TS Nguyễn Xuân Bình: Tính đến hết tháng 10-2014, Cơ quan Thú y Vùng VI đã thực hiện kiểm dịch cho 87.336 tấn sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Về chi tiết thì thịt gà đông lạnh cùng phụ phẩm (cánh, chân, tim, mề…) được nhập nhiều nhất, số lượng 56.930 tấn (tăng 64,3%). Thịt trâu, bò, dê, cừu, nai đông lạnh các loại và phụ phẩm (chân, tim, đuôi, lưỡi…) nhập 23.842 tấn (tăng 48,1%). Thịt heo đông lạnh và phụ phẩm (giò, tim, gan…) nhập 3.688 tấn, tăng 135,2%; xương (bò, heo, gà) nhập 2.667 tấn, tăng 301,7%. Ngoài ra, năm 2014, các doanh nghiệp còn nhập thực phẩm chế biến đông lạnh khác từ vịt, bồ câu… với số lượng 209 tấn mà năm 2013 chưa hề nhập.
Nói là nhập thịt ngoại nhưng phần nhiều lại là phụ phẩm, vậy chất lượng có bảo đảm?
- Sản phẩm thịt đông lạnh nhập vào Việt Nam từ các nước phát triển nằm trong danh mục do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiquad - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận, có chứng nhận an toàn thực phẩm (Health Cerficate) do nước xuất khẩu cấp, sản phẩm được kiểm tra các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thú y khi nhập khẩu vào Việt Nam nên chất lượng được bảo đảm. Các nước xuất khẩu thịt sang Việt Nam gồm: Mỹ, Brazil, Argentina, NewZealand, Úc, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Ở các nước, những loại phụ phẩm như: chân, gân, đuôi bò đông lạnh, chân gà, cánh gà, nội tạng động vật… chủ yếu dùng để chế biến thức ăn cho gia súc nhưng khi vào Việt Nam trở thành “đặc sản” đối với người tiêu dùng. Vậy trước khi cho phép nhập khẩu, cơ quan thú y có kiểm soát từ nhà máy ở nước ngoài để sản phẩm được sơ chế, đóng gói theo quy trình hàng dành cho người sử dụng hay không?
- Tất cả sản phẩm thịt đông lạnh bao gồm cả nội tạng và phụ phẩm đều được Cơ quan Thú y Vùng VI tiến hành kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y tại cửa khẩu nhập khẩu vào Việt Nam.
Những sản phẩm này phải được kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh tại phòng thí nghiệm của Cơ quan Thú y Vùng VI và phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Khi đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam và đưa đến người tiêu dùng.
Do kiểm soát tốt từ nhà nhập khẩu nên trong 10 tháng đầu năm 2014, Cơ quan Thú y vùng VI chưa phát hiện lô hàng sản phẩm động vật nhập khẩu nào vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiêu thụ chủ yếu ở nhà hàng, quán ăn
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết tính đến ngày 3-11, TP HCM đã tiếp nhận hơn 84.584 tấn sản phẩm động vật nhập khẩu các loại, tăng 63,9% so với cùng kỳ 2013. Các loại có lượng nhập tăng cao nhất là: phụ phẩm gà tăng 254% (gần 4.563 tấn), phụ phẩm trâu bò tăng 224% (hơn 2.259 tấn), phụ phẩm heo tăng 170% (gần 3.636 tấn).
Phần lớn các sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu được khai báo tiêu thụ ở các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp và về các tỉnh để tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y TP HCM đã phát hiện, xử phạt 33 trường hợp vi phạm liên quan sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu, tổng tiền phạt 66.350.000 đồng. Chủ yếu là các vi phạm: không khai báo kiểm dịch, giấy kiểm dịch không đúng số lượng, chủng loại, không có giấy chứng nhận kiểm dịch tự ý mở niêm phong. Vi phạm điển hình được xử lý là trường hợp đoàn liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện lô hàng gồm 12.230 kg thịt bò đông lạnh, nguồn nhập từ Canada, Úc của Công ty Nhất Nguyên Phương (quận 5) đang bảo quản tại kho lạnh Nhan Lý (quận Bình Chánh) đã hết hạn sử dụng từ năm 2011, 2012 và 2013.
Theo tư vấn từ Chi cục Thú y TP HCM, sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu đều có hạn sử dụng, điều kiện bảo quản nhưng trong thời gian bảo quản thực phẩm vẫn có khả năng biến chất. Do đó, khi chọn mua thực phẩm đông lạnh người tiêu dùng cần chú ý đến 3 điểm cơ bản: có nguồn gốc rõ ràng; hạn sử dụng, điều kiện bảo quản; quan sát trạng thái của sản phẩm, cụ thể là sản phẩm đông lạnh có xuất hiện đá cục hoặc lẫn các tinh thể băng thì không nên chọn mua.
Bình luận (0)