- Ông ĐÀO TRUNG CHÍNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chúng tôi đánh giá kể từ cuối năm 2020, đặc biệt là từ đầu năm 2021 trở lại đây, tình trạng "sốt" đất diễn ra ở khắp các địa phương. Đây là tình trạng không bình thường.
Theo tôi, có một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng "sốt" đất. Thứ nhất, theo Luật Quy hoạch, đây là thời điểm các địa phương đang triển khai lập quy hoạch mới cho thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thực tế có quy hoạch đã được phê duyệt nhưng cũng có nhiều ý tưởng dự kiến, trong đó có những thông tin về chủ trương, định hướng thay đổi đơn vị hành chính từ huyện lên quận, nâng cấp đô thị. Nhiều dự án phát triển hạ tầng, khu công nghiệp... được thông tin dự kiến sẽ triển khai. Ví dụ việc thành lập TP Thủ Đức, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, dự kiến thành lập TP biển Cần Giờ... Dù đã chính thức hoặc chỉ là dự kiến thì cũng đem đến kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Thứ hai, đó là thực tế lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện ở mức thấp; dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản (BĐS), chứng khoán. Ngoài ra cũng có yếu tố từ thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu ấm trở lại, trong khi nguồn cung các dự án phát triển nhà ở giảm mạnh, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, làm cho nguồn cung khan hiếm.
Tuy nhiên, có nguyên nhân mang tính tiêu cực, đó là yếu tố đầu cơ; những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin... nhằm thổi giá đất để kiếm lời.
. Việc "sốt" đất đang diễn ra nếu không kiểm soát có thể tạo ra "bong bóng" BĐS. Khi đó hệ lụy gì sẽ xảy ra, thưa ông?
- Nếu chúng ta để cơn "sốt" đất này lên cao, thứ nhất sẽ không khuyến khích được sản xuất vì tiền thuê đất tăng sẽ ảnh hưởng ngay đến cuộc sống người dân, đến đất ở của người dân. Giá thuê mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp (DN) cũng sẽ tăng và như vậy, giá thành sản phẩm khó tránh cũng tăng theo.
Nghiêm trọng hơn, đó là sẽ có "làn sóng" người dân lao vào đầu tư BĐS. Nếu người dân đi vay tiền để đầu tư nhằm kiếm lời sau đó xảy ra tình trạng "bong bóng" BĐS vỡ thì rất nguy hiểm như vỡ nợ và nhiều hệ lụy xã hội khác nữa.
. Với những thực trạng, nguyên nhân được chỉ ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã vào cuộc như thế nào để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng "sốt" đất?
- Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã có động thái ban đầu là tổng hợp, nắm bắt thông tin và yêu cầu các địa phương phải tập hợp các báo cáo và đề xuất các giải pháp.
Ngày 30-3-2021, Bộ TN-MT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP, đề nghị tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Trong đó có những chỉ đạo rất cụ thể nhằm hạn chế, ngăn chặn hiện tượng "sốt" đất ảo, thổi giá đất, để bảo đảm môi trường đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ TN-MT đề nghị các địa phương phải tăng cường quản lý chặt chẽ dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai; công khai thông tin chi tiết về các dự án nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư "vẽ" dự án để huy động vốn trái phép của dân hoặc chào mời, tạo ra cơn "sốt" đất ảo. Bên cạnh đó là công bố công khai thông tin về quy hoạch để người dân được tiếp cận thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính.
. Bộ TN-MT có khuyến cáo, cảnh báo gì với người dân để tránh rủi ro trước thực trạng "sốt" đất ảo đang diễn ra?
- Việc mua bán kiếm lời là nhu cầu của mỗi người dân. Nhưng chúng tôi khuyến cáo người dân cần hết sức cân nhắc và cẩn thận. Phải lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, có tiềm lực tài chính để đầu tư, không đầu tư theo phong trào.
Khi thực hiện giao dịch, người dân cần xem xét dự án có được quy hoạch chính thống hay không. Người dân có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công bố công khai quy hoạch, cũng như yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đủ các thông tin về dự án như hồ sơ pháp lý, tính kết nối của dự án... để tránh mất tiền vì dự án "ma".
Bình luận (0)