Chủ nhiệm VPCP kiểm tra thực địa tại Hải Phòng
Ngày 19-9, sau buổi trực tiếp kiểm tra thực địa tại Chi cục Hải quan Hải phòng khu vực 3 và cảng Đình Vũ, nơi các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra thú y… thuộc quản lý của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng thừa nhận thực tế có việc các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7 như iPhone 7, Iphone 8 mà vẫn phải kiểm tra chuyên ngành nhưng lại chỉ nhìn qua hàng hóa bằng mắt thường rồi thu của doanh nghiệp (DN) hơn 1 triệu đồng tiền phí...
Chủ nhiệm VPCP chia sẻ đến iPhone 7,8 vẫn kiểm tra, trong khi phòng xét nghiệm, kỹ thuật không có. Trong khi hàng của nước G7 sản xuất, chúng ta chưa làm được mà lại đi kiểm tra. "Mình chưa phải hacker lại đi kiểm tra hacker"- ông Dũng nhận xét.
Chủ nhiệm VPCP thẳng thắn chỉ ra hiện thời gian kiểm tra chuyên ngành là rất dài, chiếm tới 78% tổng thời gian thông quan hàng hóa, còn thời gian của Hải quan chỉ 22%. Theo Hải quan Hải Phòng, Hải quan làm thủ tục theo quy định không quá 50 giờ nhưng vẫn phải chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan trung bình khoảng 10 ngày.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Ttung ương, mỗi năm, DN mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho các thủ tục này. "Trong khi Hải quan chỉ kiểm tra khoảng 6% lô hàng, nhưng các bộ lại kiểm tra rất nhiều, như số lô hàng thực phẩm phải kiểm tra an toàn thực phẩm lên tới 60-70%"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Cùng với đó, nhiều mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, có mặt hàng tới 4 văn bản, nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ, gây sự chồng chéo, tạo gánh nặng chi phí cho DN.
Chủ nhiệm VPCP cũng nêu vấn đề, trong số 680.000 tờ khai hải quan 6 tháng đầu năm nay tại Hải Phòng, chỉ có 64.000 tờ khai thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành (chiếm 9,44%) nhưng thời gian thông quan lại rất dài. Thêm nữa, việc kiểm tra chuyên ngành không hề có phân luồng như Hải quan, tức là kiểm tra 100%, trong khi nhiều lúc chỉ kiểm tra bằng cảm quan vì không có không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể .
"Tiếng là kiểm tra chuyên ngành nhưng làm thủ tục là chính, còn kiểm tra xét nghiệm sản phẩm không kiểm tra hoặc rất ít. Có kiểm tra thì lại bằng nhãn quan, cảm tính, mắt nhìn, tay sờ, trong khi DN phải đóng 1.050.000đồng/hồ sơ. Không bật container, không mang sản phẩm nhưng vẫn xét nghiệm được, không phân loại DN ưu tiên"- Chủ nhiệm VPCP nhận xét.
"Hải quan phân luồng nhưng kiểm tra chuyên ngành không quan tâm, luồng hải quan là xanh nhưng kiểm tra chuyên ngành vẫn là đỏ. Sản phẩm sữa là chế biến sâu nhưng vẫn phải kiểm tra động vật, thực vật theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng lại không kiểm tra được, xét nghiệm không có labo, máy móc"- Bộ trưởng Dũng chỉ ra thực tế.
Bình luận (0)