Tại cuộc họp, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) cho rằng Luật Hỗ trợ DN SME có hiệu lực từ đầu năm 2018, quy định nhiều quyền được hỗ trợ như quyền tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế suất, kế toán; tiếp cận đất đai; mở rộng thị trường… nhưng khảo sát mới đây của HUBA cho thấy có khoảng 30% DN SME luôn khó khăn về vốn kinh doanh.
Hiệp hội cũng chưa nhận được bất cứ thông tin nào của DN về việc đã tiếp cận và thụ hưởng những chính sách hỗ trợ như luật đã quy định. TP HCM có Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN SME nhưng đến nay đã ngưng hoạt động do Chính phủ có quy định phải có tài sản bảo đảm để bảo lãnh vay vốn.
"DN không có tài sản thế chấp mới cần đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng quỹ phải đáp ứng điều kiện như trên là không phù hợp, cần gỡ bỏ. Hiệp hội cũng chưa nhận được thông tin trường hợp DN nào tiếp cận được Quỹ Hỗ trợ DN SME của Bộ Kế hoạch và Đầu tư" - ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA, thông tin.
Bà Phan Thị Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN SME báo cáo từ năm 2018 đến ngày 30-6-2022 không phát sinh doanh số bảo lãnh tín dụng ký mới. Do thời gian này quỹ tập trung xử lý phần vốn góp của các tổ chức tín dụng, triển khai các biện pháp để chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Liên quan đến bảo lãnh tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cũng cho hay trên địa bàn thành phố chưa triển khai cấp tín dụng đối với các khoản vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN SME. Để tháo gỡ vướng mắc và tăng hiệu quả của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN SME, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM kiến nghị cần thống nhất các quy định phối hợp trong cấp tín dụng có bảo lãnh giữa quỹ và tổ chức tín dụng; hình thành nguyên tắc bảo lãnh cho các DN SME thiếu vốn tạm thời, các DN SME khởi sự kinh doanh cần khoản bảo lãnh nhưng chưa đáp ứng được quy định…
Bình luận (0)