Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đánh giá dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu nhưng dòng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ, từ các thị trường chính như Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Hàn Quốc...
Lượng kiều hối từ Việt kiều gửi về chủ yếu qua các ngân hàng thương mại Ảnh: TẤN THẠNH
Năm 2018, doanh số kiều hối gửi về Việt Nam theo thống kê lên tới gần 16 tỉ USD. Hiện kiều hối chuyển về Việt Nam được thực hiện chủ yếu qua hệ thống NH thương mại với mạng lưới rộng khắp, dịch vụ an toàn và mức phí cạnh tranh. Nắm bắt đầu xu hướng và đón dòng kiều hối tiếp tục đổ về, nhiều NH thương mại bắt tay liên kết, hợp tác với các tổ chức chuyển tiền.
Mới đây, NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) và MoneyGram ký kết hợp tác cung ứng dịch vụ chi trả kiều hối "siêu tốc" trong 3 giờ tại nhà. Theo thỏa thuận, HDBank và MoneyGram sẽ cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất với độ kết nối lớn nhất trong 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
HDBank hiện là NH duy nhất tại Việt Nam triển khai dịch vụ chi trả kiều hối tại nhà qua MoneyGram bằng AUD (đô la Úc) bên cạnh USD và VNĐ. Từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối chuyển về qua HDBank khoảng 380 triệu USD và ước tính cả năm nay sẽ là 500 triệu USD, tăng mạnh so với năm ngoái. "Mức phí cho dịch vụ này không tăng so với các dịch vụ khác bởi HDBank muốn mở rộng hệ sinh thái khách hàng" - ông Lê Thành Trung nói.
Lãnh đạo nhiều NH thương mại nhận định kiều hối tiếp tục đổ về Việt Nam, chủ yếu từ người Việt Nam ở nước ngoài gửi cho người thân, chứ không hẳn là dòng vốn đầu tư do vài năm qua, lãi suất tiền gửi bằng USD đã giảm còn 0%.
Bình luận (0)