Sáng 11-10, Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Không thể lan man
Tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhìn nhận bối cảnh hội nhập hiện nay đang đặt doanh nghiệp (DN) và doanh nhân Việt Nam trước nhiều thách thức.
“Trước đây, người làm kinh doanh có thể trưởng thành, thành công nhờ lăn lộn thương trường, nhờ kinh nghiệm và không cần phải học hành gì. Bây giờ, người làm kinh doanh phải có học vấn, phải học hỏi. Chiến lược kinh doanh phải bài bản, rõ ràng, đi vào cốt lõi chứ không thể lan man” - ông Lộc so sánh.
Theo Chủ tịch VCCI, một DN dù nhỏ nhưng đạt tiêu chuẩn toàn cầu thì sẽ có thể phát triển, còn một DN dù lớn nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu thì sẽ khó tồn tại lâu dài. Bởi vậy, DN bất kể lớn hay nhỏ đều cần phải hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Về trách nhiệm của giới kinh doanh, đại diện VCCI cho rằng mục tiêu của DN phải là phụng sự con người và dân tộc. Kinh doanh không bằng trái tim thì không thể bền vững. Những doanh nhân lớn luôn nghĩ về xã hội, về dân tộc và con người, mục tiêu phải là phụng sự con người. “Đó không phải là sự sáo mòn mà là chân lý thành công của doanh nhân” - ông Lộc nhìn nhận. Tuy vậy, TS Lộc cũng chỉ ra rằng không phải DN, doanh nhân nào cũng làm được những điều mà xã hội, dân tộc kỳ vọng.
Ba trụ cột cơ bản
Ở góc nhìn khác, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng chỉ nên giới hạn nhiệm vụ của doanh nhân là tạo việc làm và đóng góp ngân sách cho nhà nước chứ không nên đặt thêm nhiệm vụ gì nữa. Tự cổ chí kim, doanh nhân chỉ cần mục tiêu duy nhất là tạo lợi nhuận cho bản thân và công ty mình. Lợi nhuận càng nhiều thì càng tạo nhiều công ăn việc làm và nhiều nguồn thu ngân sách.
TS Huỳnh Thế Du cũng bày tỏ trăn trở khi doanh nhân trong nước đã không được nhìn nhận đúng nghĩa. Trong quá trình lịch sử, nhiều thời điểm họ được đặt ở vị trí thấp, luôn gắn với các từ “con buôn”, “con phe”, “trọc phú”... hoặc bị đặt câu hỏi có gì tiêu cực đằng sau. Tuy vậy, không thể phủ nhận là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nhân vẫn là những người có khả năng mang lại giá trị lớn cho xã hội.
Để DN Việt Nam phát triển, TS Huỳnh Thế Du cho rằng sẽ cần 3 trụ cột cơ bản: nền kinh tế thị trường với vai trò nòng cốt là các doanh nhân, nhà nước pháp quyền với vai trò sửa chữa khuyết tật thị trường và xã hội với vai trò giám sát.
Tối 11-10, VCCI tổ chức “lễ phát động phong trào thi đua “DN Việt Nam hội nhập - Phát triển” và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. Đây là hoạt động kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).
Năm 2016: DN được thành lập dự kiến sẽ cao nhất
Cùng ngày, tại buổi tọa đàm “Ngày Doanh nhân bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh” do Báo điện tử Diễn đàn đầu tư Bizlive.vn tổ chức, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đánh giá trong vài năm gần đây, những cải cách về hành chính đã thay đổi theo hướng không chỉ minh bạch mà còn thân thiện hơn; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Đó chính là tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Kết quả bước đầu tốt nhất là sự ra đời và thành lập của các DN mới. Số DN được thành lập dự kiến sẽ cao nhất trong năm nay.
Riêng về Luật DN vừa và nhỏ, ông Thành cho rằng tinh thần là tốt nhưng không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả. Ngoài ra, hỗ trợ DN nhưng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế.
Bình luận (0)