Nổi lên là một địa chỉ hấp dẫn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tiếp nhận nhiều siêu dự án, trong đó có nhiều dự án kinh doanh sòng bài, trò chơi có thưởng. Dịch vụ này vốn chỉ dành cho người chơi mang hộ chiếu nước ngoài, nay càng gây sự chú ý sau khi ông Ly Sam, một Việt kiều được TAND quận 1 - TPHCM tuyên thắng kiện trong vụ án đòi tiền trúng thưởng của Công ty Liên doanh Đại Dương, nằm trong khách sạn Sheraton TPHCM.
Trò chơi trúng thưởng là nghề kinh doanh “đẻ trứng vàng”. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Ảnh: INTERNET
Lãi “khủng”
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy cả nước hiện có 43 điểm kinh doanh trò chơi có thưởng tại các khách sạn 3 sao trở lên, với tổng số 2.685 máy được cấp phép, trong đó có 1.129 máy đang kinh doanh, chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM. Tại mỗi địa điểm kinh doanh đều có khống chế về số lượng máy đối với mỗi loại hình trò chơi, tùy thuộc vào mức độ giải trí của từng loại hình. Cụ thể là khách sạn 5 sao như Sheraton được lắp tối đa 100 máy, khách sạn 4 sao được đặt 75 máy và khách sạn 3 sao được đặt 50 máy.
Tham gia vào thị trường này có 39 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tất cả các điểm kinh doanh đều có 2 loại máy phổ thông là máy giật xèng có tích lũy giải thưởng (Jackpot machine) và máy giật xèng đơn (Slot machine). Ngoài ra các doanh nghiệp còn đưa vào điểm kinh doanh các loại máy Roulette tự động, máy Baccarat điện tử, máy Blackjack điện tử, máy Sicbo hay Tài xỉu tự động, máy Đua ngựa và máy đánh mạt chược tự động để cung cấp cho người chơi.
Doanh thu từ hoạt động trò chơi điện tử có thưởng tăng trưởng khá cao, với mức 10%-15%/năm. Năm 2011, doanh thu của hoạt động này ước đạt khoảng 5.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trung bình của mỗi cơ sở kinh doanh khoảng 20 tỉ đồng mỗi năm nhưng các cơ sở kinh doanh ở miền Nam có doanh thu và tỉ lệ tăng trưởng cao hơn so với miền Bắc và miền Trung, do có số lượng người nước ngoài đến làm việc và du lịch cao nhất trong cả nước.
Chờ khung pháp lý mới
Kinh doanh sòng bài và trò chơi có thưởng du nhập Việt Nam từ năm 1992 theo dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Phải đến năm 2003, khung pháp lý cho hoạt động này mới tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đây được xem là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, không khuyến khích phát triển, mà chỉ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người nước ngoài đến làm việc, du lịch tại Việt Nam, góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài và thu hút khách quốc tế. Do đó, việc phát triển, cấp phép và quản lý hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập.
Từ năm 2007, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép cho đến khi khung pháp lý mới được ban hành. Hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến để ban hành một nghị định mới về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (không bao gồm nội dung casino) nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình kinh doanh đặc thù này.
Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết tranh chấp để tránh những rắc rối phát sinh như vụ việc của ông Ly Sam với Công ty Đại Dương, đặc biệt là việc xác định lỗi kỹ thuật, tỉ lệ trả thưởng. Với đặc thù là loại hình kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ gian lận cao, từ thực tế những tranh chấp đã phát sinh, Bộ Tài chính đã đề ra các nhóm giải pháp về quản lý thiết bị trò chơi. Việc ban hành điều kiện kỹ thuật sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành các cuộc kiểm tra, giải quyết tranh chấp giữa các đối tượng có liên quan, bảo đảm tính chặt chẽ trong quản lý loại hình kinh doanh nhạy cảm này.
Bình luận (0)