Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km trải dài qua 28 tỉnh, thành, hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng hệ sinh thái, nguồn tài nguyên đa dạng. Với lợi thế, tiềm năng to lớn này, tại lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam ở Bạc Liêu vào đầu tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng chúng ta phải tìm cách khai thác hiệu quả, xây dựng, định danh cho được thương hiệu biển Việt Nam.
Du lịch tàu biển: Cơ hội lớn
Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng đã đến lúc chúng ta phải định vị lại thương hiệu biển Việt Nam, tận dụng, nắm bắt cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển. "Cơ hội này là rất lớn nếu ngành du lịch sớm nắm bắt và đẩy mạnh xây dựng, quảng bá. Khi những thương hiệu biển của các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines... đã bão hòa về sức thu hút du khách quốc tế, lúc này chính là thời điểm để thế giới biết nhiều hơn về vẻ đẹp, sự quyến rũ của biển Việt Nam" - ông Vũ phân tích.
Quan trọng hơn, theo ông Vũ, thương hiệu biển còn gắn liền với vấn đề khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu biển gắn với các hoạt động du lịch biển, đảo chính là cách thức tuyệt vời để thực thi điều này.
Du thuyền Heritage Cruise được Lux Group đưa vào khai thác hiệu quả để thu hút khách du lịch tàu biển Ảnh: LAM GIANG
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoại Việt, cho rằng khi được định vị về thương hiệu, người dân sẽ có ý thức nhiều hơn trong quá trình giữ gìn, phát triển bền vững chứ không chỉ đơn thuần "đánh bắt cá lên ăn hay tắm biển"... Ông Phan Xuân Anh cũng nhận định một trong những loại hình du lịch thời thượng hiện nay là du lịch tàu biển, cần định vị thương hiệu để có chiến lược phát triển rõ ràng. Để du lịch tàu biển thực sự phát triển, việc thực hiện các sản phẩm du lịch mới được thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên khai thác loại hình du lịch này cần nhận được thêm sự hợp tác, hỗ trợ, ủng hộ từ các bộ, ngành liên quan, chính quyền, người dân địa phương đến các nhà cung ứng dịch vụ.
"Chẳng hạn, cần có sự phối hợp đánh giá những cảng biển mới có tiềm năng phát triển du lịch tàu biển. Từ đó giới thiệu, thông tin đến DN để họ tìm hiểu, đầu tư và khai thác các cầu cảng hiện đại chuyên phục vụ du lịch đón được những du thuyền cỡ lớn. Đồng thời, sớm công bố thủ tục hàng hải quốc tế và vùng neo đậu dành cho tàu khách tại những cảng đến mới, có chính sách khuyến khích DN đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch tàu biển" - ông Anh góp ý.
Trong khi đó, ông Phạm Hà, sáng lập và điều hành Lux Group, nói Malaysia hay Singapore trở thành trung tâm của du lịch tàu biển là nhờ DN của họ đầu tư đội tàu lớn, hạ tầng sân bay, cảng biển phát triển mạnh. Lux Group nhận ra điều này nên đã đầu tư đội tàu du lịch. Từ tháng 6-2019, du thuyền Heritage Cruise mang phong cách hiện đại đầu tiên tại sông Hồng và vịnh Bắc Bộ được Lux Group đưa vào khai thác. Loại hình này du khách rất thích thú khi lựa chọn hành trình từ 1-3 đêm khám phá điểm đến trên sông Hồng, vịnh Bắc Bộ. Lux Group đặt mục tiêu phát triển đội tàu du lịch lên 10 chiếc trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, cách làm của Lux Group là hướng đi đúng để định hình thương hiệu cho du lịch biển Việt Nam. Ông Vũ Duy Vũ tin tưởng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển, trở thành trung tâm du lịch tàu biển của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều này, cùng với nỗ lực của DN thì rất cần có chính sách khuyến khích đầu tư rõ ràng và đồng bộ vào du lịch biển, du lịch tàu biển của nhà nước.
Bài học cá ngừ đại dương
Một con cá ngừ vây xanh mà ngư dân Khánh Hòa bắt được nặng đến 386 kg nhưng chỉ bán được 29 triệu đồng, trong khi tại một phiên đấu giá ở Nhật Bản, một con cá ngừ vây xanh chỉ nặng 278 kg lại bán được 3,1 triệu USD (khoảng 73 tỉ đồng). Đó là nghịch lý mà theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, xem lại các khâu, quy trình kỹ thuật để nâng "đẳng cấp" cho con cá ngừ nói riêng, sản phẩm từ biển nói chung.
Thực ra, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng cá ngừ hay hải sản của Việt Nam thấp, dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao.
Giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam thấp do công nghệ bảo quản lạc hậu Ảnh: KỲ NAM
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - nói rằng mỗi chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương kéo dài 20-25 ngày. Trong khi đó, phần lớn tàu của ngư dân là tàu gỗ, bảo quản cá bằng đá lạnh, không đủ độ lạnh nên khi đưa cá vào bờ thì phần lớn cá không đạt chất lượng. Ông Thuẫn nói chỉ khi chúng ta có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, mua cá ngay trên biển cho ngư dân thì mới mong hiệu quả.
Nhưng đây lại là cái yếu của ngành thủy sản Việt Nam. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết trước đây ở tỉnh cũng có DN đăng ký đóng mới 5 tàu theo Nghị định 67/CP để thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nhưng vì thấy không hiệu quả nên dừng lại. Cả tỉnh Phú Yên hiện tại không có một đội tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá nào.
Còn ở tỉnh Khánh Hòa, theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, mô hình Tổ hợp tác 6 Ngư đội - Hải Vương của Công ty CP Thủy sản Hải Vương đang hoạt động rất hiệu quả. Trong đó tàu Hải Vương 68 vỏ composite được trang bị hầm lạnh -60 độ C thu mua ngay hải sản của ngư dân trong ngư đội sau khi đánh bắt rồi bảo quản đưa vào bờ để bán, giữ được chất lượng cá. Tuy nhiên, đội tàu này không thể thu mua hết hải sản của hơn 1.200 tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh này.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho hay thêm hiện có 38 tàu hậu cần nghề cá do chính các ngư dân trong gia đình, họ hàng hùn hạp, liên kết đầu tư với năng lực thu mua trên 100 tấn cá mỗi chuyến. Chưa bàn đến quy trình, công nghệ bảo quản hiện đại tới đâu, con số này không đáp ứng nhu cầu, sản lượng khai thác của tỉnh.
Theo các chuyên gia, câu chuyện con cá ngừ đại dương với hiện trạng công nghệ lạc hậu, dịch vụ hậu cần nghề biển yếu kém là bài học lớn để Việt Nam tổ chức lại phương thức khai thác kinh tế biển cho phù hợp.
"Tất cả đều do công nghệ khai thác và bảo quản của mình quá lạc hậu. Khắc phục được điều này thì giá trị con cá mới tăng mà không cần phải chạy theo sản lượng. Có như vậy mới khai thác bền vững, mới khai thác hiệu quả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ biển" - ông Võ Thiên Lăng đúc kết.
Phải tận dụng tốt lợi thế biển
Lâu nay, Việt Nam được định vị điểm đến văn hóa nhưng thường du khách quốc tế sẽ chỉ ghé một lần, trong khi nếu định vị là điểm đến nghỉ dưỡng thì khách sẵn sàng trở lại. Lợi thế biển để làm du lịch của Việt Nam quá tốt, từ Vân Đồn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang..., mỗi vùng miền có những đặc trưng khác nhau mà du khách đều có thể trở lại nếu khai thác tốt. Ngoài ra, trong thương hiệu biển Việt Nam còn có các thương hiệu nhánh như biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc... Do đó, khi các địa phương xây dựng, đẩy mạnh thương hiệu biển của mình cũng là góp phần phát triển thương hiệu biển Việt Nam.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-7
Kỳ tới: Xây dựng kinh tế biển xanh
Bình luận (0)