Bước vào quý IV, các doanh nghiệp đang cần cung cấp dữ liệu thống kê cơ bản để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm tới. Tuy nhiên, các nhận định về tăng trưởng kinh tế năm 2013 cũng như dự báo năm 2014 còn nhiều điểm chưa thống nhất.
Nhiều chỉ số tăng
Với nhiều chỉ số kinh tế tăng khá cao, có thể nhận định nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp máy động lực Vikyno 3 Ảnh: Hồng Thúy
Nhập khẩu cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng rất mạnh từ tháng 9, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa có tỉ lệ nhập siêu khá lớn. Mức nhập siêu của các doanh nghiệp nội địa ngang bằng xuất siêu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khoảng 9,6 tỉ USD, tập trung trong tháng 8 và 9. Điều này cho thấy doanh nghiệp bắt đầu phục hồi nhập khẩu để sản xuất trở lại, nhất là hàng tiêu dùng, dệt may, giày da. Vốn FDI cũng tăng rất mạnh trong quý III. Cụ thể, vốn FDI đăng ký từ đầu năm đến nay tăng 36% nhưng riêng quý III tăng 42%, vốn thực hiện cũng tăng 6,4%.
Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) giảm 4 tháng liên tiếp nhưng đột ngột tăng mạnh trong tháng 9, lên đến 41,5 điểm. Đáng lưu ý là tính ổn định của chỉ số này được HSBC dự báo tiếp tục duy trì trong quý IV. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ số PMI tăng là nhờ 3 yếu tố: xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo và chỉ số giá xây dựng tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý là lãi suất giảm mạnh nhưng tín dụng lại tăng trưởng thấp. Điều này cho thấy vốn vẫn đang bị ách tắc và sự phục hồi kinh tế mới chỉ là những dấu hiệu đầu tiên, chưa thành xu hướng rõ nét và mạnh mẽ.
Vẫn còn nhiều lo ngại
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức gần đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong lộ trình xuống đáy dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Minh họa cho đánh giá này, ông Thiên cho rằng các cơ sở tăng trưởng của năm 2013 đều yếu hơn những năm trước. Tăng trưởng tín dụng thấp, thu ngân sách khó khăn chưa từng thấy, đầu tư xã hội giảm mạnh, gần 25.000 doanh nghiệp đóng cửa, tổng cầu rất yếu. Việc thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản vẫn đóng băng không chỉ gây khó cho bài toán ngân sách năm nay mà còn khó khăn cho nhiều năm tới. Trong khi đó, khả năng nới trần bội chi không thể dễ dàng trở thành hiện thực trong nhiều năm liên tiếp.
BDI đưa ra dự báo năm 2013, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, sang năm 2014 có thể đạt mức cao hơn là 5,5%-5,7%. Lạm phát năm nay nhiều khả năng dừng ở con số 7,6% nhưng năm 2014 giảm xuống 7%. Còn tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 11%, thấp hơn 1% so với kế hoạch nhưng năm 2014 có thể đạt 14%-15%. Về thâm hụt ngân sách, năm 2013 vẫn dừng ở chỉ tiêu được giao là 4,8% nhưng năm 2014 tăng lên 5,3%.
Bình luận (0)