Ngày 4-10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên tọa đàm và họp phiên toàn thể cho ý kiến báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của Chính phủ chuẩn bị cho kỳ họp QH thứ 8 sắp diễn ra.
Đạt 12/12 chỉ tiêu
Đánh giá về tình hình KT-XH 9 tháng qua, ThS Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đánh giá có rất nhiều điểm sáng, đặc biệt là chỉ số tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng, vượt mọi dự báo.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,31% trong quý III, cao hơn so với quý I (6,82%) và quý II (6,73%), cũng như cùng kỳ các năm 2012-2018 (trừ năm 2018). Tính chung 9 tháng qua, GDP tăng 6,98%. "Kết quả này cao hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là 6,8% và vượt mọi dự báo về tăng trưởng" - ông Dương nhấn mạnh. ThS Nguyễn Anh Dương nêu thành tích về kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, đáng chú ý lạm phát ở mức thấp. Trong quý III/2019, CPI tăng 0,48% so với quý trước và tăng 2,23% so cùng kỳ năm 2018. Bình quân 9 tháng năm 2019, CPI tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 3 năm qua). "Khả năng đạt mục tiêu QH giao (khoảng 4%) và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ (dưới 4%) tương đối chắc chắn, tạo dư địa điều hành trong các tháng cuối năm 2019" - ThS Nguyễn Anh Dương nhìn nhận.
Bên cạnh đó, việc điều hành ngân sách nhà nước tiếp tục được thực hiện chặt chẽ. "Kết quả nổi bật 9 tháng qua là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng" - ThS Nguyễn Anh Dương nói.
Một thành tích đáng kể nữa là thu hút đầu tư trực tiếp doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) đạt kết quả tích cực. Trong 9 tháng, cả nước cấp phép mới cho 2.759 dự án với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 14,2 tỉ USD, tăng 7,3%. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn đạt mức tăng trưởng 16,3%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên toàn thể thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội năm 2019 Ảnh: MẠNH THẮNG
Chiều cùng ngày, Ủy ban Kinh tế họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo KT-XH năm 2019 của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Chính phủ đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu QH giao. Trong đó, quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỉ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). "Tình trạng "vàng hóa", "đô-la hóa" giảm đáng kể. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện" - ông Nguyễn Đức Trung nêu rõ.
Dự báo về tình hình KT-XH năm 2020, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết GDP tăng khoảng 6,8% so với năm 2019, CPI bình quân tăng dưới 4% so với bình quân năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% so với năm 2019. Tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chiếm khoảng 33%-34% GDP.
Vẫn lo giải ngân đầu tư công
Đánh giá cao những kết quả phát triển KT-XH song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng Chính phủ cần cẩn trọng về sự "nhạy cảm" của nền kinh tế mở Việt Nam, hết sức lưu ý về tình trạng giải ngân quá chậm. "Chính phủ phải bắt được bệnh giải ngân đầu tư công chậm để có giải pháp trúng. Vì thực tế, dự án quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành đều rất chậm" - ông Dương Quốc Anh góp ý. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cảnh báo con số vượt chi 33.500 tỉ đồng và đề nghị chỉ rõ nguyên nhân để có biện pháp.
ThS Nguyễn Anh Dương bày tỏ lo ngại về sự chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc (với vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỉ USD trong 9 tháng của năm, chỉ thấp hơn Hàn Quốc). "Rất lo ngại Việt Nam thành "bãi đáp" cho DN Trung Quốc lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung" - ông Nguyễn Anh Dương cảnh báo. Một vấn đề cần tập trung giải quyết khác của nền kinh tế, theo ông Nguyễn Anh Dương là khả năng tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA. ThS Nguyễn Anh Dương chỉ ra quá trình chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật về hội nhập còn chậm.
Cần báo cáo tình hình biển Đông
Một vấn đề lớn của đất nước được Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng kiến nghị được báo cáo của Chính phủ bổ sung là vấn đề biển Đông. "Việc vi phạm chủ quyền là rất nghiêm trọng, vì thế phải đưa vào báo cáo cụ thể để người dân tin tưởng rằng Đảng, nhà nước rất minh bạch, công khai" - ông Phùng Văn Hùng thẳng thắn.
Không đóng BHXH thì phong tỏa tài sản
Chiều 4-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đã họp phiên toàn thể cho ý kiến về việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết số thu BHXH đến hết năm 2018 gần 220.500 tỉ đồng, tăng 12,9% so năm 2017. Tổng chi BHXH ước thực hiện năm 2018 hơn 155.600 tỉ đồng. Tổng số dư quỹ BHXH đến năm 2018 hơn 727.800 tỉ đồng; trong đó, đầu tư trái phiếu Chính phủ hơn 620.500 tỉ đồng, đầu tư vào các ngân hàng thương mại gần 107.300 tỉ đồng, kết dư toàn bộ quỹ tăng mỗi năm khoảng 20% trong 5 năm qua. "Không có chuyện quỹ BHXH khó khăn, không vì chuyện bắt bớ, xử lý một vài ngàn tỉ đồng mà ảnh hưởng đến quỹ và cho là vỡ quỹ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Dung, khó khăn lớn hiện nay là lượng lớn lao động, DN diện bắt buộc nhưng chưa tham gia BHXH. Theo đó, có 610.000 DN đang hoạt động nhưng chỉ mới 327.000 DN đóng BHXH. Để "xử lý" hơn 283.000 DN chưa đóng BHXH, ông Đào Ngọc Dung nêu kinh nghiệm của Trung Quốc là DN không đóng BHXH sẽ bị phạt tiền. "Thậm chí chây ì, không đóng BHXH cho người lao động thì phải phong tỏa tài sản" - ông Đào Ngọc Dung đề xuất.
Bình luận (0)