"Tỉ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh" - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nêu.
Tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% trong năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5%. Dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam. ADB cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam: Tình trạng nhiễm Covid-19 cao kể từ giữa tháng 3; nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2022 vào ngày 6-4
Các chuyên gia của ADB đánh giá cao việc ngày 11-1, Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên đến 15 tỉ USD để triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023. Trong đó, 11,5 tỉ USD của chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.
Tổng mức hỗ trợ lãi suất lên đến 40.000 tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD). Đây là cấu phần tài khóa chính của ERDP, dự kiến sẽ thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế quốc gia ADB Việt Nam, do mức độ tín nhiệm và khả năng hồi phục là những điều kiện quan trọng để DN có thể tiếp cận các khoản vay, các DN vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được các tiêu chí này do tình hình tài chính và năng lực của họ đã bị suy yếu vì đại dịch Covid-19. Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản.
Một cấu phần tài khóa quan trọng khác của ERDP là giảm 2% thuế GTGT trong năm 2022 cho các sản phẩm và dịch vụ hiện đang chịu mức thuế GTGT 10%. Tổng giá trị cắt giảm thuế khoảng 49.000 tỉ đồng (khoảng 2,1 tỉ USD).
Bình luận (0)