Ngày 11-1, tại TP HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức tổng kết ngành năm 2018.
Thua lỗ
Theo báo cáo của Vinacas, năm 2018 có một kỷ lục buồn trong lịch sử ngành khi hàng trăm tấn điều thô nhập khẩu về Việt Nam phải nằm chờ tại cảng và kho ngoại quan do chất lượng xấu hơn mọi năm và khó khăn về tín dụng của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu. Giữa năm 2018, giá điều nhân thế giới xuống thấp trong khi giá nguyên liệu đứng ở mức cao khiến rủi ro trong chế biến điều tăng nên các ngân hàng siết chặt cho vay tín chấp nhập khẩu điều thô, nhất là với các DN nhỏ, DN mới tham gia thị trường. Thiếu vốn, các DN buộc bán tháo điều nhân để thu tiền mặt đẩy giá điều nhân xuống sâu làm thị trường thêm bất ổn.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas, nhìn nhận số liệu xuất khẩu rất ấn tượng nhưng bản chất của hoạt động ngành điều năm qua là hết sức khó khăn. Ông Họa đã hỏi các DN chế biến dự tổng kết xem có DN chế biến nào có lãi trong năm qua nhưng không có cánh tay nào giơ lên. "Tôi không nói đến các DN thương mại, riêng DN chế biến đều lỗ. Công ty tôi cũng lỗ vì chế biến 100%. Nếu mua điều thô từ Campuchia về chế biến thì lỗ khoảng 5 triệu đồng/tấn, mua nguyên liệu từ châu Phi cũng lỗ. Chỉ cần nhìn giá mua nguyên liệu trung bình và giá xuất khẩu trung bình là thấy rõ" - ông Họa phân tích.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2018, Việt Nam xuất khẩu điều nhân đạt 391.000 tấn, tăng 7,8% về lượng nhưng kim ngạch chỉ đạt 3,52 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy giá điều nhân giảm do tăng sản lượng xuất khẩu.
Để tránh rơi vào vết xe đổ của năm 2018, khi mua nguyên liệu giá cao, bình quân 1.865 USD/tấn nhưng giá điều nhân lại giảm, ông Họa đề nghị các DN không nên vội mua nguyên liệu trong năm 2019 vì nguồn cung điều thô thế giới đang tăng. "Các nước châu Phi đã đầu tư vào chế biến điều nhưng chưa hiệu quả nên 5 năm tới vẫn phải xuất khẩu điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ. Chúng ta không nên tranh mua sớm giá cao" - ông Họa nói.
Tuy chiếm thị phần thế giới lớn nhất nhưng ngành điều vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Tiếp tục khó khăn
Theo Vinacas, năm qua, việc tranh chấp thương mại trong ngành xảy ra với tần suất và mức độ cao hơn so với mọi năm. Năm 2018, có tình trạng nhiều DN ký hợp đồng mua nguyên liệu điều và đã đặt cọc nhưng lại hủy hợp đồng, bỏ tiền cọc để cắt lỗ. Điều này khiến các DN bán điều thô dè chừng DN Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Phiệt, đại diện Công ty Tanmodial, cung cấp điều thô lớn cho Việt Nam, khẳng định năm 2019 sẽ áp dụng mức tiền cọc 30% (thông thường khoảng 10% - PV) để hạn chế rủi ro cho bên bán. "Những DN uy tín có thể đặt cọc ít hơn nhưng 90% DN sẽ phải chịu mức cọc cao. Năm 2018, nhiều DN Việt Nam đặt mua nguyên liệu nhưng lại hủy hợp đồng, hoãn hợp đồng, bỏ cọc, khất nợ, giãn nợ thậm chí không nghe điện thoại. Đây là bài học rất lớn cho DN kinh doanh điều thô, chúng tôi đã bị mất hàng trăm triệu USD trong năm qua. Tôi đề nghị DN Việt Nam đặt hàng phải lấy hàng, nếu không thì ngồi lại thương lượng ở mức chấp nhận được. Tín dụng cho ngành điều đang bị siết khắp trên thế giới. Bây giờ, DN nào có tiền thì mua hàng về sản xuất, đừng trông chờ vào vốn vay ngân hàng" - ông Phiệt gợi ý.
Về thị trường đầu ra, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, nhận xét năm 2019 tiêu thụ không tăng đột biến, trong khi nguồn cung tăng. "Mỹ là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam (32%) và họ đang chờ giá rẻ hơn để mua vào. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho hạt hạnh nhân (cùng phân khúc cạnh tranh với hạt điều nhưng giá rẻ hơn) khó xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc buộc phải bán ra ở thị trường Mỹ. Năm nay, các nhà nhập khẩu không ký hợp đồng kỳ hạn giao xa mà chỉ mua giao ngay. Hiện họ vẫn còn lượng tồn mua rẻ của Việt Nam thời điểm "đáy" năm 2018 nên chưa vội mua mới" - ông Sơn thông tin. Cũng theo ông Sơn, năm qua, không chỉ Việt Nam mà DN điều cả thế giới cũng gặp khó khăn. Do đó, các DN khi làm ăn với đối tác nước ngoài cần thận trọng để không bị mất tiền cọc, không đòi được tiền hàng.
Bình luận (0)