"Mình có rất nhiều kế hoạch đang triển khai. Sàn giao dịch hoa tươi quy mô 1.000m2 tại Đà Lạt sắp hoạt động. Đầu năm sau, xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ thông tin cho ngành hoa tươi để giải quyết các bài toán về bán hàng. Dự kiến trong quý I/2018 sẽ thành lập học viện hoa tươi", anh Phạm Hoàng Thái Dương – nhà sáng lập Hoa Yêu Thương chia sẻ vào một ngày cuối tháng 10. Lúc này, "đứa con cưng" của anh đã tròn 7 tuổi và mang lại doanh thu mỗi tháng 4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, để có doanh thu khả quan và tự tin cho những tham vọng lớn, anh Dương đã trải qua hơn 5 năm đầu với nhiều trầy trật. "Phá sản, nợ đối tác, nợ lương, không nhà… có đủ hết", anh không ngại nhắc lại.
Năm 2010, sau hai lần khởi nghiệp thất bại, phải tay trắng ra đi và bán toàn bộ cổ phần cho đồng nghiệp với giá 0 đồng, chàng kỹ sư công nghệ thông tin không muốn nhận các lời mời về làm công trong ngành IT. Tình cờ, trong một lần dùng dịch vụ điện hoa, anh cảm thấy dịch vụ còn nhiều bất tiện và sơ khai.
Ý tưởng nảy ra nên anh quyết định lên mạng tìm hiểu quy trình. Dương nhận ra các công ty điện hoa lớn trên thế giới được vận hành từ nguyên liệu đầu vào, xử lý đơn hàng, phân tích dữ liệu... đều dùng đến máy tính. Vay mượn 700 USD, anh quyết định lập một website và xây dựng hệ thống điện hoa cho mình.
Anh Thái Dương cùng cộng sự tại một góc cửa hàng hoa.
Những ngày đầu, hệ thống điện hoa đầy "mơ mộng" là hàng loạt công việc chân tay chính anh chàng kỹ sư phải làm, từ nhận đơn hàng, mua hoa về cắm rồi đi giao. Khi đơn hàng nhiều lên, anh bắt đầu kết nối với các shop hoa để đặt hàng. Năm 2012, văn phòng công ty vẫn là một phòng trọ trong con hẻm trên đường Cộng Hòa. Tuy nhiên, Google lại chọn dự án của anh là một trong hai hình mẫu thành công ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh.
"Nhìn căn phòng trọ xập xệ với hai ba nhân viên trong hẻm nhỏ, ông quay phim tư liệu cho Google đến mà ngỡ ngàng. Ổng nói không biết sao hãng lại chọn tụi này, nhưng nghĩ chắc người ta có tầm nhìn xa", anh Dương kể lại.
Lo lắng vì tính ổn định chất lượng của các đối tác, Dương quyết định hùn vốn mở shop hoa cuối năm 2013 trên đường Võ Thị Sáu (TP HCM). Nhưng mọi chuyện không đơn giản. Chi phí cho hàng mẫu trưng bày và nguyên liệu tốn hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Hoa lại không bảo quản được lâu nên chỉ sau 3 tháng, công ty thâm vốn, nợ hơn 300 triệu đồng và bị thu hồi giấy phép kinh doanh, nhân viên bỏ đi hết.
"Đàn ông con trai sao không làm gì mà lại đi bán hoa", mẹ Dương than thở khi anh phá sản. Gia đình vẫn kỳ vọng anh sẽ vào làm một chân IT ở đâu đó để có "cái nghề ổn định với người ta". Thế nhưng, lựa chọn tiếp theo của anh là cầm cố xe máy, máy ảnh và vay mượn thêm gia đình để… mua lại cửa hàng hoa của chính mình.
Công ty điện hoa của Dương sống lại và đơn hàng ngày một tăng. Tuy nhiên, càng hoạt động vẫn càng lỗ. Năm 2015, Dương mang dự án của mình đi thi và đạt giải nhất Venture Cup. Số tiền thưởng hơn 300 triệu đồng khi ấy được mang về để trả nợ trong tích tắc. Lúc này, doanh thu của công ty đã vào khoảng 900 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, anh thừa nhận là… vẫn lỗ.
Mãi đến giữa cơn khánh kiệt cuối năm 2016, Dương và cộng sự làm giám đốc IT của công ty dồn hết tâm sức vào viết phần mềm quản lý dòng tiền và nâng cấp hệ thống quản trị và kinh doanh online. Hệ thống đặt mua của anh cho phép khách hàng biết được thời gian hoàn thành đơn hàng, biết được thời gian vận chuyển.
Cùng với đó, hệ thống BI (Business Intelligent) có thể dự báo số đơn hàng bán ra để có thể chuẩn bị đủ lượng hoa, bố trí nhân sự cho những ngày được dự báo nhiều đơn hàng. Hệ thống thông minh này nhận dữ liệu đầu vào là các yếu tố về kinh nghiệm, thời tiết, phong thủy, thông tin khách hàng để phân tích.
Đến nay, doanh thu công ty đạt 4 tỉ mỗi tháng và có lãi tốt. Dương ước chừng mình đang giữ 1% thị phần hoa ở TP HCM với một siêu thị, hai shop hoa, hệ thống điện hoa hoạt động 24/24. Mục tiêu của anh là đạt 5% thị phần, nâng số nhân sự từ 100 người hiện nay lên 500.
"1% thị phần hiện cũng là một con số rất lớn. Chúng tôi chỉ bán hoa nội địa thôi. Hoa trồng ở Việt Nam thật sự rất đẹp và cạnh tranh được hết. Tôi đang khuyến khích nông dân Đà Lạt trồng các giống hoa mới thay vì phải nhập. Chúng tôi sẽ tiến ra thị trường Hà Nội vào cuối năm sau. Thị trường này còn ‘khát’ hoa vì đa phần là hoa Trung Quốc", anh Dương nói.
Cũng cách đây ít ngày, công ty anh đã nhận được gói đầu tư giai đoạn một là 12 tỉ đồng và gói tín dụng 12 tỉ của Greenwings (Hà Lan). Đây không phải tên tuổi xa lạ mà chính là nhà đầu tư vào Đà Lạt Hasfarm.
"Thật ra mình không cần thêm vốn đầu tư lớn vì khả năng tài chính đã ổn rồi. Cái quan trọng nhất khi kết nối với Greenwings là mình học hỏi được kinh nghiệm, công nghệ và quy trình từ một nền công nghiệp hoa tiên tiến", anh Dương chia sẻ và nói thêm rằng bản thân đang muốn mang hoa Việt Nam xuất khẩu. Bước đầu, anh sẽ chọn Campuchia.
Bình luận (0)