Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) Trần Thanh Nam, ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế của cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước. Xuất khẩu nông sản năm 2022 của cả nước dự kiến chạm mốc 50 tỉ USD, qua đó cho thấy lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là lợi thế quốc gia.
Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL, vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo; các hoạt động sản xuất, chăn nuôi thủy hải sản cũng mang đến nhiều rủi ro về phát thải và môi trường. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030. "Nếu xử lý tốt các phụ phẩm từ lúa gạo, thủy hải sản, trái cây tại ĐBSCL, đó sẽ là tài nguyên khổng lồ, gia tăng doanh thu cho ngành, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá diễn đàn lần này thể hiện được quyết tâm đổi mới sáng tạo của các lãnh đạo và cộng đồng startup trong khu vực ĐBSCL. Phó thủ tướng mong đợi nhiều "startup" thể hiện được khát vọng, tinh thần và không khí sôi động của cộng đồng sáng tạo.
Phó Thủ tướng còn đề nghị Bộ NN-PTNN phối hợp với các tỉnh, thành về định hướng sử dụng quỹ đất, giống cây trồng, nâng giá trị sử dụng nông sản. ĐBSCL cũng cần có các chính sách đầu tư khai thác triệt để, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước.
Bình luận (0)