Chiều 16-8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Ba lần đối thoại
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin đây là cuộc đối thoại lần 3 với DN Hàn Quốc sau 2 lần đối thoại trước với nhiều kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh luôn coi trọng và đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài đã có đóng góp vào kinh tế TP HCM một cách rõ nét. Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc, cần có sự gặp gỡ thường xuyên để giải quyết.
"Mong muốn thời gian tới sẽ có làn sóng mới từ Hàn Quốc đến với TP HCM và các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những nhà đầu tư hiện tại cũng sẽ tiếp tục phát triển mở rộng. Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư về những lĩnh vực quan tâm để có sự chuẩn bị cụ thể.
Thành phố cũng hiểu rằng để thu hút đầu tư mới, vấn đề giải quyết vướng mắc hiện hữu là quan trọng. Sẽ có những vấn đề thống nhất giải quyết ngay, vấn đề ghi nhận để trả lời sau và những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ cùng DN kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan để sớm tháo gỡ" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nêu thêm bối cảnh hiện nay, TP HCM đã có Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP HCM có thêm điều kiện thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng hơn.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Chia sẻ tại hội nghị, ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM), gửi lời cảm ơn sâu sắc đến UBND TP HCM đã đưa ra những biện pháp tháo gỡ 13/21 vướng mắc của các DN Hàn Quốc trong Hội nghị Đối thoại năm 2022.
Nhà máy Samsung SEHC ở Khu Công nghệ cao TP HCM Ảnh: BÌNH AN
Đại diện KOCHAM cũng trình bày những vướng mắc hiện tại mà cộng đồng DN Hàn Quốc đang gặp phải như: chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ, giấy phép lao động cho người nước ngoài, hoàn thuế GTGT và vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo ông Choi Bun Do, hiện chỉ có 300/1.800 DN ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng các DN Hàn Quốc tại Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp nên buộc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác.
"Tôi tin rằng những chỉ đạo tích cực của UBND TP HCM thông qua những sự kiện đối thoại như ngày hôm nay sẽ làm tăng thêm sự tín nhiệm đối với chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Từ đó, các DN Hàn Quốc sẽ có thể đóng góp được nhiều hơn nữa trong việc mở rộng đầu tư tại khu vực TP HCM" - ông Choi Bun Do bày tỏ.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đã làm việc với Tập đoàn Samsung để nắm bắt nhu cầu, khả năng của DN Việt Nam. "Bên cạnh năng lực DN Việt Nam còn hạn chế thì vấn đề là DN chưa hiểu tiêu chuẩn, quy định sản phẩm mà DN Hàn Quốc yêu cầu nên được trao đổi rõ sẽ tháo gỡ phần nào" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Tại hội nghị, đại diện Samsung, Tập đoàn GS, CJ Foods, Samil Pharmaceutical… đã nêu những vướng mắc cụ thể liên quan vấn đề hoàn thuế GTGT, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được các cơ quan chuyên môn tại TP HCM trả lời một số nội dung.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao ITPC tổng hợp ý kiến của nhà đầu tư, phối hợp với các sở, ngành giải quyết, phấn đấu cuối năm nay sẽ giải quyết hết những vấn đề tồn đọng. TP HCM dự kiến lập tổ công tác giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư Hàn Quốc và sẽ có thông báo từng trường hợp vướng mắc để DN nắm được tiến độ.
Ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia
Cũng tại hội nghị, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, đã giới thiệu về định hướng thu hút và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới trong bối cảnh TP HCM là nơi nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong ngắn hạn, thành phố ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch...
"Trong dài hạn, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỉ lệ nội địa hóa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với DN trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị" - ông Đào Minh Chánh nói.
Theo ông Chánh, một số khu vực của thành phố còn quỹ đất sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư như KCN Phạm Văn Hai I (389 ha), KCN Phạm Văn Hai II (289 ha), KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2: 597 ha, giai đoạn 3: 500 ha), KCN Lê Minh Xuân 2 (338 ha), KCN Lê Minh Xuân mở rộng (120 ha).
T.Phương
Bình luận (0)