Diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019" đã được tổ chức ở Hà Nội ngày 22-2.
Xuất khẩu tăng 900%
Đây là hội nghị thứ 2 về xuất khẩu gỗ, lâm sản được tổ chức trong 6 tháng qua, kể từ hội nghị tổ chức hồi tháng 8-2018 tại TP HCM, với kỳ vọng đưa ra các giải pháp tạo bứt phá cho lĩnh vực này. Hội nghị lần này có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường và khoảng 600 đại biểu, là đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương, các hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp (DN).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian trưng bày sản phẩm gỗ, lâm sản. Ảnh: QUANG HIẾU
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2005, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam bắt đầu gia nhập CLB xuất khẩu 1 tỉ USD với việc xuất khẩu sản phẩm đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỉ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỉ USD. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều quốc gia phát triển.
Đánh giá về thành quả của ngành lâm nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đã đứng đầu ASEAN, đứng thứ nhì châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ rừng trồng. Không chỉ về số lượng, chúng ta có một số sản phẩm có thiết kế mẫu mã tốt, được thị trường khó tính chấp nhận. Đấy là trí tuệ, giá trị gia tăng, rất quan trọng. "So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%. Đây là mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được" - Thủ tướng bày tỏ.
Tuy nhiên, nhìn thị trường ngành hàng đồ gỗ toàn cầu với giá trị 430 tỉ USD, người đứng đầu Chính phủ chưa cảm thấy thỏa mãn. Bởi, một đất nước "Tam sơn, tứ hải" với diện tích rừng hơn 14 triệu ha nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. "Như vậy là quá nhỏ bé, khiêm tốn" - Thủ tướng nói.
Không được thỏa mãn
Tại diễn đàn, Thủ tướng đã đặt hàng với ngành nông nghiệp. Theo đó, trong 10 năm tới Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm hàng đầu về chế biến, xuất khẩu gỗ của thế giới. Thủ tướng cũng lưu ý ngành nông nghiệp cần nhận diện rõ tiềm năng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững. "Chúng ta có nhiều DN nhưng thiếu thương hiệu, còn thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận còn thấp" - Thủ tướng chỉ rõ.
Ngoài ra, một số lâm sản như quế, hồi, sâm Ngọc Linh... chưa phát huy, mới xuất khẩu được ít, chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín ở nước ngoài, chế biến chưa tốt. Sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, bảo vật nhưng chưa trở thành quốc kế dân sinh. Đó là chưa kể sức hấp dẫn sản phẩm gỗ Việt chưa lớn, nhiều DN chế biến gỗ được thành lập nhưng hiệu quả thực chất chưa cao. Ngoài ra, mối liên hệ giữa người trồng rừng với DN chế biến, xuất khẩu chưa chặt chẽ; vấn đề xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu quốc gia cũng chưa được quan tâm đúng mức. "Đã đến lúc chúng ta phải có những chính sách, cách làm bứt phá và hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, tìm ra phương án hỗ trợ người trồng rừng tại các tỉnh trọng điểm để họ không "bán rừng non" mà phải hình thành nên những cánh rừng gỗ lớn, có tuổi đời 9-10 năm trở lên.
Về kế hoạch xuất khẩu đạt 11 tỉ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cho là thấp. "Kim ngạch xuất khẩu phải đạt cao hơn nữa, phấn đấu đạt 13 tỉ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỉ USD, gắn với khát vọng vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tôi mong diễn đàn dành thời gian thảo luận vấn đề này, làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Đây là một câu hỏi rất lớn chứ không phải nhỏ lẻ, đơn điệu, vì không thể chỉ xuất khẩu được trên, dưới 10 tỉ USD là chúng ta đã thỏa mãn" - Thủ tướng nêu vấn đề.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý việc phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết chuỗi giá trị, theo phương châm "muốn đi xa thì phải đi chung" giữa hộ sản xuất, hợp tác xã, DN và nhà nước. "Nếu chỉ trông chờ vào một vài DN thì rất khó để sau 10 năm nữa ngành gỗ Việt có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Do đó, việc khuyến khích, kêu gọi, mở rộng hợp tác với DN lớn, DN tầm trung và cả các DN nhỏ trên thế giới, là hết sức cần thiết" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bao nhiêu thị phần là đủ?
"Nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỉ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỉ USD. Vậy theo tốc độ phát triển hiện nay, sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu và là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới được không? Hay nói cụ thể, chúng ta cần chiếm 30%, 50% hay bao nhiêu phần trăm, để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra và làm thế nào để đạt tỉ lệ phần trăm ấy?" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi và đề nghị các đại biểu thảo luận tìm ra lời giải.
Bình luận (0)