Theo ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, địa phương có vùng nguyên liệu lớn về sản phẩm nông nghiệp, dược liệu như: gần 190.000 tấn rau/năm, 14.000 tấn cà phê/năm, trái cây (cam, quýt, hồng) 2.700 tấn/năm,… nhưng chỉ có 5 đơn vị sơ chế, chế biến với công suất nhỏ; đa số sản phẩm rau củ quả của người dân bán tươi, không qua sơ chế.
"Lạc Dương có nhu cầu rất lớn trong việc kêu gọi các dự án đầu tư cho chế biến nông sản sau thu hoạch. Địa phương còn nguồn đất dồi dào, hiện đã có 4 khu và 1 vùng được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, là cơ sở để thu hút đầu tư các dự án này. Đối với sản xuất, chúng tôi ưu tiên các dự án nông nghiệp không hóa chất, nông nghiệp hữu cơ canh tác các loại cây trồng địa phương có lợi thế mà nơi khác không trồng được như: atiso, phúc bồn tử, cà phê Arabica,… chứ không thu hút đại trà" - ông Hoài thông tin.
Đặc sản Lạc Dương - Lâm Đồng được giới thiệu tại chương trình
Đối với lĩnh vực du lịch, huyện Lạc Dương ưu tiên thu hút du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch nghỉ dưỡng; riêng lĩnh vực du lịch kết nối nông nghiệp chỉ cho phát triển dự án tối thiểu 1 ha.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, huyện Lạc Dương đang tìm kiếm các đối tác lớn tại TP HCM để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp. "Lạc Dương hiện có 11 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được xếp 3 đến 4 sao đang được chúng tôi xúc tiến để bán trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel" - ông Hoài giới thiệu.
Tại chương trình, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cảnh báo Đà Lạt, Lạc Dương "bớt duyên" do nhà kính quá nhiều, gây hiệu ứng tiêu cực cho du khách. Do đó, ông Mỹ đề nghị nông nghiệp phục vụ du lịch phải là rau, cây ăn quả trồng thuận tự nhiên, không phun xịt thuốc, thân thiện như mô hình rau Trà Quế (Quảng Nam).
"Về lưu trú, khách du lịch hiện nay thích thông thoáng và chán ngán kiểu nhà hộp nên phát triển du lịch dưới tán rừng làm chủ đạo" - ông Mỹ đề nghị.
Bình luận (0)