Trong Công văn 327 ký ngày 28-11, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh doanh nghiệp chưa được phép tăng giá xăng dầu sau khi một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đề xuất lên Bộ Tài chính cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu với lý do giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng. Nếu không được tăng giá, sẽ bị lỗ.
Không tăng vì xăng có lãi
Sự vênh nhau giữa hai bộ là do thời điểm tính giá cơ sở của chu kỳ tính giá khác nhau. Thời điểm tính giá cơ sở của Bộ Công Thương được tính trong giai đoạn từ ngày 19-10 đến 17-11; tỉ giá hối đoái ở mức 20.995 đồng/USD. Còn chu kỳ tính giá của Bộ Tài chính lấy từ ngày 27-10 đến 25-11, bám theo Thông tư số 234/2009 của bộ này là căn cứ tính giá xăng dầu ở phạm vi 30 ngày gần nhất; tỉ giá hối đoái ở mức 21.010 đồng/USD. Dựa theo cách tính này, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính ban hành văn bản chưa đồng ý tăng giá xăng dầu vào thời điểm hiện tại.
Điều chỉnh cơ chế điều hành giá
Từ trước tới nay, kết quả tính toán giá bán lẻ xăng dầu giữa các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp luôn có độ vênh nhất định. Giá của các chuyên gia kinh tế tính toán thường “rẻ” hơn so với cách tính của doanh nghiệp và dư luận lại dấy lên câu hỏi vì sao không giảm giá. Nhưng ngay cả cách tính toán của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương - hai cơ quan quản lý chuyên ngành - cũng có sự vênh nhau, chứng tỏ căn cứ tính giá bán lẻ xăng dầu rất phức tạp. Đây có thể là lỗ hổng của luật để doanh nghiệp có cớ lãi nhưng vẫn kêu lỗ để không giảm giá.
Một “chiêu” làm giá vừa được Bộ Tài chính “bóc mẽ” là vấn đề chi vượt định mức kinh doanh. Petrolimex trong 6 tháng đầu năm đã chi vượt định mức hơn 516 tỉ đồng cho các khoản hoa hồng cho tổng đại lý, đại lý mặc dù trong công thức tính giá cơ sở, định mức chi phí kinh doanh được chốt ở một con số cố định là 600 đồng/lít.
Để giải quyết những bất cập trong quản lý và điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã đồng ý cho tổng kết việc thực hiện Nghị định 84/CP về cơ chế điều hành giá xăng dầu để kịp thời chỉnh sửa, hướng mục tiêu kéo dần giá bán lẻ xăng dầu trong nước sát với giá thế giới.
Loạn chi hoa hồng, bán giá cao Việc quá tay chi hoa hồng không chỉ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, làm lỡ cơ hội giảm giá bán lẻ mà còn là nguy cơ gây rối loạn hệ thống phân phối. Do loạn chi hoa hồng của doanh nghiệp để cạnh tranh, dẫn đến các đại lý tự ý phá hợp đồng, không bán hàng cho doanh nghiệp duy nhất như cam kết.
Hậu quả là cơ quan quản lý không giám sát được chất lượng xăng dầu bán trên thị trường, các đại lý có thể pha trộn sản phẩm giá rẻ với sản phẩm giá cao để bán theo giá cao, thu lợi bất chính.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) xác nhận hiện tượng này đã xảy ra khá nhiều ở tháng 2 vừa qua khi thị trường xăng dầu căng thẳng về nguồn và giá bán. |
Bình luận (0)