Người phát ngôn của Thủ tướng Justin Trudeau cho biết chưa có sự đồng thuận giữa 11 nước thành viên TPP. "Chúng tôi đã đạt tiến triển nhưng không vội hoàn tất đàm phán. Một số quốc gia vẫn còn một số vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung, trong đó có Canada" - người phát ngôn này giải thích.
Tuy nhiên, một ngày trước đó, các quốc gia TPP (tạm gọi là TPP-11) đã đạt một số thỏa thuận ban đầu làm trỗi lên kỳ vọng về TPP.
Theo giới phân tích, TPP-11 sẽ có hiệu lực ngay sau khi tất cả quốc gia thành viên gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản, Canada và Mexico phê chuẩn. Do Mỹ không tham gia nên tác động kinh tế của TPP nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Bởi lẽ, 11 quốc gia còn lại chiếm 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (nếu có Mỹ thì GDP của TPP chiếm 38,2% và tổng kim ngạch chiếm 26,5%).
Một trong những vấn đề quan trọng mà TPP-11 đạt được bước đầu là những bất đồng về thuế quan đối với hàng dệt may, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa đã được đồng thuận.
Ngành dệt may gần như không hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu không có Mỹ tham gia Ảnh: Tấn Thạnh
LS-TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) nhận định nếu TPP-11 thành hiện thực thì doanh nghiệp (DN) trong nước hết sức thuận lợi nhờ có được một thị trường xuất khẩu rất lớn với thuế suất thấp. Đó là chưa kể các quốc gia TPP luôn đưa ra các chính sách thuận lợi để cùng nhau phát triển thị trường xuất khẩu.
Ông Tín cho rằng sau khi vào TPP-11, Việt Nam có thể bị các quốc gia ngoài TPP-11 lợi dụng về xuất xứ hàng hóa. Chẳng hạn, DN Trung Quốc có thể ồ ạt đầu tư nhà máy tại Việt Nam, sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu sang các nước thành viên TPP-11 để hưởng thuế suất thấp; hoặc DN Mỹ có thể sản xuất hàng hóa tại Nhật Bản rồi xuất sang Việt Nam để hưởng lợi từ TPP-11. Mặt khác, do hầu hết các quốc gia thành viên TPP-11 đều mạnh về tài chính và công nghệ, chất lượng sản phẩm rất cao nên DN của họ có thể đổ dồn hàng hóa vào Việt Nam, đè bẹp sản phẩm trong nước. "Vì thế, chúng ta không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh mà phải thay đổi rất nhiều về cơ chế pháp lý đối với điều kiện nước ngoài đầu tư, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam" - ông Tín khuyến nghị.
Do Mỹ là quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đối với TPP nên TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho rằng nhiều quốc gia vẫn còn mong muốn Mỹ tham gia TPP. Việc Canada vắng mặt vòng đàm phán hôm 10-11 có thể là động thái thăm dò của chính phủ này đối với việc Mỹ có tham gia TPP hay không. Do đó, kết quả bước đầu của TPP-11 chỉ cho thấy TPP "hồi sinh" và phải chờ đợi 11 quốc gia chốt lại các điều khoản chung mới có thể đánh giá được tác động nhất định của hiệp định này.
Chưa thống nhất quan điểm cuối cùng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết chiều tối 10-11, diễn ra cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng TPP bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại TP Đà Nẵng.
Nguồn tin khác xác nhận lễ ký TPP-11 đã không diễn ra vào chiều 10-11 như dự kiến do các bên chưa thống nhất được quan điểm cuối cùng. Trong đó, Canada đã không tới dự cuộc họp của các bộ trưởng TPP theo kế hoạch ban đầu.
Nguồn tin này cũng cho biết trong cuộc họp không chính thức các bộ trưởng TPP diễn ra vào chiều tối 10-11, các nước đã nghe Canada giải thích về việc chưa tham gia TPP-11.
Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho rằng thông tin Canada "rút khỏi TPP" như truyền thông đăng tải là "chưa chính thức".
"Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dự định tổ chức họp báo vào 15 giờ 30 phút ngày 10-11 nếu thỏa thuận đạt được nhưng do chưa đạt được nên cuộc họp báo đã hoãn" - lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin.
Ph.Nhung
Ngành dệt may không mặn mà
Không quan tâm lắm với diễn biến của TPP-11, các DN dệt may cho biết nếu hiệp định này được thông qua mà không có Mỹ thì ngành may mặc Việt Nam không được hưởng lợi. Theo các DN, xuất khẩu vào Mỹ chiếm trên 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam nên trước đây, ngành dệt may rất kỳ vọng sẽ được mở cửa rộng hơn, ưu đãi nhiều hơn khi đưa hàng vào Mỹ. Với thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ trong TPP là Nhật, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương, xuất khẩu vào đây đang được hưởng ưu đãi theo lộ trình nên việc Việt Nam và Nhật cùng tham gia TPP không có nhiều ý nghĩa hỗ trợ phát triển thị trường hay thu hút đầu tư vào ngành dệt may từ Nhật.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, nhìn nhận ngoài Nhật là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam, 9 thị trường còn lại trong TPP-11 đều nhỏ, không mấy triển vọng. DN cũng không kỳ vọng TPP-11 sẽ trở thành đòn bẩy giúp có thêm vị thế mà trước mắt, ngành dệt may tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, uy tín để củng cố và gia tăng xuất khẩu vào những thị trường trọng điểm và mở rộng, phát triển các thị trường khác.
Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Hạt điều Gia Bảo (tỉnh Bình Phước), thừa nhận trước đây, các DN lo lắng khi thông tin Mỹ không tham gia TPP. Nhưng nếu TPP không có Mỹ, công ty vẫn còn thị trường truyền thống rộng lớn cũng như nhiều hy vọng ở những thị trường mới.
Th.Nhân - S.Nhung
Bình luận (0)