Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỉ lệ tối đa 45% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong năm 2019, thay vì giảm tỉ lệ này về 40% như quy định hiện hành.
Horea cho rằng căn cứ diễn biến thực tế của thị trường bất động sản (BĐS) 9 tháng đầu năm 2018, và dự báo tình hình thị trường năm 2019, việc siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn 40% từ đầu năm 2019 là chưa cần thiết, chưa phù hợp với thực tiễn, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường BĐS.
Horea kiến nghị chưa giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm tạo thuận lợi cho thị trường BĐS. Ảnh: NLĐ
Bởi các doanh nghiệp BĐS hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Tại Việt Nam, doanh nghiệp BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng NH và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay NH để mua nhà. Tuy nhiên, do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỉ trọng lớn nên các NH chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.
Trong 8 tháng đầu năm, dư nợ BĐS cả nước chiếm khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS. Nếu thống kê cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS, tỉ trọng này lên khoảng 14,4%. Tại TP HCM, tỉ trọng này khoảng 15%. Điều này có tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và cả doanh nghiệp BĐS.
Trong khi việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư BĐS và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan, NHNN có chủ trương không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt); kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, BOT, BT giao thông; kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến BĐS… Do đó, Horea cho rằng thực tế, các NH khó còn hạn mức tín dụng để cho vay BĐS.
Chính vì vậy Horea kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định hiện nay theo hướng tiếp tục cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
Bên cạnh đó, Horea khuyến nghị các doanh nghiệp BĐS cần quan tâm phát triển phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền, khoảng trên dưới một tỉ đồng một căn. Dòng sản phẩm này có tính thanh khoản cao, dễ dàng vượt khó và bền vững trong mọi biến động nóng lạnh của thị trường. So với các phân khúc cao cấp, hạng sang, nhà giá rẻ sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh tín dụng bất động sản ngày càng thắt chặt.
Các doanh nghiệp còn được khuyên nên tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực. Chuyển đổi thành công ty cổ phần, định hướng trở thành công ty đại chúng để huy động vốn thông qua các kênh phát hành trái phiếu, cổ phiếu và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ngoài ra, HoREA cũng khuyên các doanh nghiệp trong nước nên tích cực lựa chọn đối tác có tiềm lực tài chính, các quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án. Mục tiêu của hoạt động M&A (mua bán sáp nhập) nhằm tăng cường dòng vốn, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị để tự chủ tài chính trong bối cảnh tín dụng bất động sản sẽ khó tiếp cận hơn vào đầu năm 2019.
Bình luận (0)