Tại cuộc họp, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến dịp cao điểm lễ 2-9, mỗi ngày sân bay phục vụ khoảng 120.000 lượt khách. Trong đó khoảng 25.000 lượt khách quốc tế, còn lại là khách quốc nội. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao sẽ khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc cục bộ hoặc chèo kéo, làm giá của các phương tiện vận chuyển.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam, cho biết cảng vụ đã triển khai một số giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, bảo đảm an ninh trật tự và hoạt động vận tải đường bộ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông Tuấn, một nguyên nhân của tình trạng ùn tắc, chèo kéo, làm giá xe khách vẫn xảy ra ở khu vực sân bay thời gian qua là do thiếu phương tiện vận chuyển.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, phân tích hiện sân bay mỗi ngày dự kiến đón khoảng 120.000 lượt khách, trong khi các hãng taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng chỉ đáp ứng được khoảng 20% lượt khách.
"Tình trạng xe không đáp ứng đủ nhu cầu là có thật, do đó hành khách nên cân nhắc lịch trình và chủ động phương tiện đưa đón để tránh phải chờ đợi lâu. Cảng vụ có thể phân luồng lượt hành khách đi, đến tránh giao cắt sẽ hạn chế ùn ứ" - ông Đường nói.
Khu vực đón xe taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) chiều 30-8
Trong khi xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ thiếu thì xe buýt - phương tiện giải tỏa hành khách nhanh được kỳ vọng rất lớn ở sân bay Tân Sơn Nhất - lại èo uột khách đi. Khảo sát thực tế các tuyến xe buýt ở sân bay, đoàn kiểm tra nhìn nhận chỉ một vài hành khách chọn loại hình vận tải này.
Đại diện Sở GTVT TP HCM thừa nhận tuyến xe buýt số 152 đã tăng cường giờ chạy từ 21 giờ lên 22 giờ mỗi ngày nhưng rất ít khách đi. Đại diện các bên tham dự cuộc họp đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng các hãng hàng không đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để hành khách biết vị trí đỗ xe buýt, lịch trình các tuyến…
Ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cục đã triển khai nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian cất/hạ cánh của máy bay, đáp ứng nhu cầu của hành khách trong dịp lễ 2-9. Về hạ tầng, cục đã yêu cầu sân bay Tân Sơn Nhất tăng thêm cửa ra, cải thiện vị trí đỗ, dù khó khăn do hạ tầng quá tải.
"Đối với xe buýt, đề nghị Sở GTVT TP HCM nghiên cứu loại xe phù hợp cho sân bay, vì khách đi sân bay đặc thù có hành lý. Các hãng taxi chở khách cần có chế tài, cam kết đúng lượng xe đón khách, nếu không đủ 1-2 lần có thể ngừng hợp đồng, mời hãng khác vào để hiệu quả hơn?" - ông Hảo nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng đề nghị các loại xe hợp đồng đón khách ở sân bay không mời gọi khách để tránh lẫn lộn giữa hành vi chèo kéo và mời khách. Chỉ cần đứng ở vị trí nhất định là khách sẽ biết xe hợp đồng, taxi hay xe công nghệ. Cần có phương án xử lý nhanh khu đất 3.500 m2 để làm bãi đỗ xe, bãi đệm cho xe ra, vào đón khách ở Tân Sơn Nhất.
"Đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục tối ưu hóa slot (lượt cất/ hạ cánh) cho các hãng hàng không, phân bổ hợp lý, tránh cao điểm slot trùng cao điểm đi lại của người dân. Nên lấy việc tổ chức slot cho Tân Sơn Nhất làm chuẩn để điều chỉnh giờ bay của mạng lưới các cảng hàng không, các hãng cần phối hợp tuân thủ đúng slot được cấp để hạn chế tối đa ùn tắc. Đặc biệt, cần công bố số điện thoại đường dây nóng (là số di động) của các đơn vị như thanh tra giao thông để hành khách phản ánh. Đẩy mạnh tuyên truyền để hành khách biết khu vực nào đón xe hợp đồng, taxi, xe công nghệ, xe buýt" - ông Hùng nói.
Bình luận (0)