Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết mục tiêu của đợt giảm lãi suất lần này là khuyến khích tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh vốn lưu thông vào sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, từ ngày mai (18-3), lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 7%/năm hiện nay xuống còn 6%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do các ngân hàng thương mại ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Hàng loạt lãi suất chủ chốt khác cũng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm. Lãi suất tái cấp vốn cũng giảm từ 7% xuống mức 6,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thánh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng giảm từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm.
Lãi suất huy động ngoại tệ bằng USD cũng giảm xuống mức 1%/năm, thay vì mức 1,25%/năm hiện nay.
Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9%/năm xuống còn 8%/năm; riêng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô với những lĩnh vực này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện thu mua tạm trữ vụ Đông Xuân 2014 tối đa là 7%/năm; mức lãi suất cho vay trong chương trình thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tối đa là 7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và tối đa là 10% - 10,5%/năm đối với trung, dài hạn.
Bình luận (0)